Chính phủ xác định tăng thuế mặt hàng gây hại cho sức khỏe

Tại hội thảo Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra ngày 13/8, tại Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thực hiện chủ trương truyền thông về chính sách của Chính phủ, Bộ TT&TT tổ chức nhiều hội thảo về tác hại của đồ uống có đường, thuốc lá và vai trò điều tiết của chính sách thuế. Trong đó, đề cao việc áp dụng các công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để điều chỉnh tiêu dùng của Chính phủ.

Tăng thuế thuốc lá đủ mạnh để giảm tiêu dùng là hướng đi đúng

Nhất trí áp thuế suất tỷ lệ và thuế tuyệt đối với thuốc lá

"Việc tăng thuế trong những năm qua có tác động, nhưng rất ít tới tiêu dùng. Hạn chế hiện nay là thu nhập tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Chúng tôi ủng hộ dự thảo Luật thuế TTĐB đưa ra phương án vừa áp dụng thuế suất tỷ lệ vừa áp dụng thuế suất tuyệt đối…” - Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam.

Đối với mặt hàng thuốc lá, bà Nhị Thuỷ cho hay, tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Đứng trước những tác hại về sức khoẻ, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xác định giải pháp “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ dự thảo Luật thuế TTĐB được Bộ Tài chính xây dựng và cho rằng, việc sử dụng chính sách thuế TTĐB đủ mạnh có thể tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh.

Phương án đưa ra là "tăng giá" thông qua tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua sản phẩm. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc.

Ngoài ra, thực hiện "giảm tiêu thụ", giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc hoàn toàn. Tiếp đó là "ngăn chặn việc bắt đầu". Giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.

Theo Ths. Đào Thế Sơn chuyên gia kinh tế, rất cần tăng thuế đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng. Việc tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng, điển hình như ở Thái Lan và Philippin đã thu được kết quả tích cực.

Tăng thuế thuốc lá ở mức đủ mạnh

Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính lấy ý kiến theo 2 phương án. Phương án 1, đối với mặt hàng thuốc lá điếu vẫn giữ mức thuế suất tỷ lệ là 75% vào năm 2026, từ năm 2027, 2028, 2029 sẽ điều chỉnh tăng dần theo lộ trình. Việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thích nghi dần với phương án tăng thuế và có lộ trình tính toán phương án sản xuất.

Phương án 2, dự thảo luật đề xuất tăng thuế từ năm 2026, Luật có hiệu lực là 5.000 đồng/bao và đích là năm 2030 tổng là 10.000 đồng/bao mức thuế tuyết đối. Bộ Tài chính tính toán, khi luật có hiệu lực vào năm 2026 thì mức thuế suất 5.000 đồng/bao thuốc lá, là mức đủ lớn để tác động giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Theo Bộ Tài chính, so sánh tác động của 2 phương án, phương án 2 có ưu điểm hơn, sẽ giảm được tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2026 xuống còn 39,7%, trong khi nếu áp dụng phương án 1, tỷ lệ giảm chỉ xuống khoảng 42%...

Ủng hộ dự thảo luật, tại hội thảo Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. WHO đánh giá cao và ủng hộ dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB sẽ được trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, WHO cho rằng, khó đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mức thuế TTĐB với thuốc lá trong dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đặt như kỳ vọng. Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.

Chính vì vậy, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Ngân hàng thế giới và WHO khuyến cáo. Chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc (50% còn lại là từ các biện pháp khác như thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá …).

Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm, ủng hộ và nhất trí với Bộ Tài chính về một số đề xuất trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm thể chế hoá và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm sử dụng thuốc lá

Theo Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Đây là điều cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất. Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.

WHO cho rằng, Luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia.

Với Luật Thuế TTĐB trong quá trình sửa đổi, WHO tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân.

Mô hình tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Quan trọng hơn, việc áp thuế TTĐB sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020./. 

Theo Song Linh (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-thue-thuoc-la-du-manh-de-giam-tieu-dung-la-huong-di-dung-157062-157062.html