Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Đây là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo khoa học Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức ngày 29/8, tại Hà Nội.
TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu, các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển. Do đó, cần có phương án quản lý phù hợp. Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...
Hiện nay, nhiều nước đã bắt đầu hình thành khung pháp lý về quản lý tài sản mã hóa nhằm đưa tài sản mã hóa vào đối tượng quản lý và giám sát thay vì không được công nhận hay bị cấm như trước đây. Đa số các quốc gia thuộc nhóm G20 (ngoại trừ Trung Quốc) có xu hướng công nhận tài sản mã hóa, cấp phép một số loại dịch vụ tài sản mã hóa, cấp phép với các sàn giao dịch tài sản mã hóa, đánh thuế đối với giao dịch tài sản mã hóa.
Tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ước đạt 2,21 nghìn tỷ USD với hơn 2,4 triệu loại tiền mã hóa theo thống kê của CoinMarketCap.
Các tổ chức tài chính quốc tế như Hội đồng ổn định tài chính (Financial Stability Board, FSB), Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng… cũng ban hành các hướng dẫn, thông lệ tốt và khuyến cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
Báo cáo của Hãng Chainalysis (Hoa Kỳ) cho thấy, trong 12 tháng (tính đến tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3 - 4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021 - 2022 (khoảng 100 tỷ USD). Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về tài sản mã hoá, khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD này đang bị thất thoát, chảy ra khỏi Việt Nam.
Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì Hành động số 6 về xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ vào tháng 5/2025, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.
Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, hiện nay, NHNN không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán. Bộ Tư pháp không coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Tương tự, Bộ Công thương cũng không xem tiền mã hóa là một loại hàng hóa hay dịch vụ. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa đề cập cụ thể đến tài sản ảo và tài sản điện tử.
Việc thiếu các quy định pháp lý liên quan đến tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) đã tạo ra khoảng trống pháp lý đối với tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: Thay vì áp dụng lệnh cấm, cách tiếp cận đối với tài sản mã hóa hợp lý hơn cả là đưa ra các giải pháp quản lý và điều tiết thị trường này.
Theo TS Cấn Văn Lực: Việt Nam nên dần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài sản mã hóa, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp để đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi liên quan đến các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa.
Bên cạnh đó, cần đưa ra được các định nghĩa, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa; đồng thời cần xác định rõ những loại tài sản nào được phép giao dịch chính thống và được pháp luật bảo vệ, chỉ rõ các loại tài sản không được phép giao dịch.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc quản lý tài sản mã hóa, thông qua sự kết hợp giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế. Cần chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, chia sẻ thông tin về tiền kỹ thuật số và hợp tác trong việc phòng chống rửa tiền và trốn thuế.
Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia kiến nghị, tài sản mã hóa cần có điều kiện lưu thông đặc biệt sau khi được công nhận là tài sản.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật nêu một số kiến nghị và giải pháp đối với quản lý lĩnh vực này.
Thứ nhất, cần thừa nhận sự tồn tại khách quan của tài sản mã hóa, việc này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư quốc tế, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả tài chính, phát triển thị trường tài chính số, và mở rộng cơ sở thuế. Việc này cũng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ chủ quyền tài chính quốc gia, đồng thời tăng cường khả năng quản lý rủi ro và kiểm soát dòng tiền. Việc thừa nhận sẽ kéo theo hàng loạt các hành động quan trọng nhằm kiểm soát các rủi ro từ việc hình thành, cất trữ, giao dịch, kê khai và báo cáo biến động các tài sản mã hóa và có thể liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau.
"Chúng tôi nhận thấy cách định nghĩa của EU là phù hợp nhất với các yêu cầu trên và không cần thiết phải liệt kê: Tài sản mã hóa là "đại diện kỹ thuật số của một giá trị hoặc một quyền có thể được chuyển giao, lưu trữ điện tử tạo lập trên công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự. Như trên đã trình bày, cách định nghĩa của Dự thảo luật Công nghiệp Công nghệ số cần thiết phải xem xét chỉnh lý để bao quát hơn", ông Ngô Vĩnh Bạch Dương nói.
Thứ hai, cần hoàn thiện quy định về quyền sở hữu đối với những tài sàn đặc biệt, tránh các tranh chấp và xung đột về quyền lợi. Đối với một số loại tài sản có nhiều rủi ro như tài sãn mã hóa, cần thiết phải kê khai, đăng ký và báo cáo cơ quan nhà nước về những biến động tài sản.
Thứ ba, cần xây dựng các quy định về hoạt động giao dịch và sàn giao dịch tài sản mã hóa. Đây là nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đề xuất được những phương án chính sách cụ thể. Cần có các quy định cấp phép và giám sát các sàn giao dịch tài sản mã hóa để đảm bảo các hoạt động tuân thủ quy định về chống rửa tiền (AML), xác thực danh tính khách hàng (KYC), và bảo vệ người tiêu dùng. Nếu thừa nhận và cho phép giao dịch tài sản mã hóa, sẽ khó có thể loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài do vướng những cam kết về tự do thương mại và mở cửa thị trường. Tuy nhiên cần thiết đặt điều kiện tuân thủ để bảo đảm phòng ngừa rủi ro liên quan đến rửa tiền và trốn thuế.
Nhà nước cần thiết lập các cơ chế để giám sát các giao dịch tài sản mã hóa, đảm bảo tính minh bạch và hạn chế các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Nhà nước cũng cần theo dõi và điều chỉnh để ngăn chặn các hành vi gian lận, thao túng thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các rủi ro tài chính.
Thứ tư, cần quản lý về thuế và thu thuế từ tài sản mã hóa. Thuế thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp: Đối với các hoạt động giao dịch, mua bán tài sản mã hóa; thuế tài sản hoặc giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch sử dụng tài sản mã hóa trong hoạt động kinh doanh...
Thứ năm, Nhà nước cần yêu cầu các sàn giao dịch và dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa phải xác minh danh tính người sử dụng. Điều này giúp ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Các quy định về chống rửa tiền (AML) phải được áp dụng để ngăn chặn việc sử dụng tài sản mã hóa vào mục đích rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các cơ chế giám sát giao dịch cần được thiết lập để phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Cần thiết học tập kinh nghiệm của EU trong đạo luật MiCA, khi giao dịch tài sản mã hóa, sàn giao dịch hoặc tổ chức trung gian phải ghi rõ người chuyển và người nhận, bất kể giá trị lớn hay nhỏ.
Thứ sáu, Nhà nước cần có các biện pháp để đảm bảo rằng người tiêu dùng và nhà đầu tư trong thị trường tài sản mã hóa được bảo vệ khỏi các hoạt động lừa đảo, thao túng thị trường, và các rủi ro khác. Yêu cầu về minh bạch: Các tổ chức phát hành tài sản mã hóa (như các dự án ICO hoặc IEO) phải cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch cho các nhà đầu tư về sản phẩm và dịch vụ của họ, đảm bảo rằng các nhà đầu tư hiểu được rủi ro.
"Bên cạnh đó, cần quản lý các công nghệ liên quan đến tài sản mã hóa, bảo đảm các hệ thống này đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật và ổn định. Với ứng dụng hợp đồng thông minh (smart contracts), cần có quy định về hợp đồng thông minh, vì chúng là yếu tố quan trọng trong quản lý và giao dịch tài sản mã hóa...", đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật lưu ý.
Theo Anh Minh (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/khan-truong-xay-dung-khuon-kho-quan-ly-tai-san-ma-hoa-102240829154825456.htm