Không chứng minh được quan hệ nhân - quả
Đồng quan điểm với Viện Kiểm sát Nhân dân cấp dưới, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mới đây cũng đã nêu ra quan điểm trong kháng nghị mới nhất về vụ án này với cấp xử phúc thẩm, theo đó sửa bản án đã được tuyên bởi Tòa án Nhân dân TP.HCM trước đó.
Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của Vinasun với sự vi phạm pháp luật của Grab, và Grab không có hành vi gây ra lỗi trong việc này.
Quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng “bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ là không có cơ sở”.
Về việc giám định thiệt hại của Vinasun do Tòa án Nhân dân TP.HCM chỉ định Cty giám định Cửu Long thực hiện đi đến kết luận gây thiệt hại cho Vinasun từ tháng 1.2016-6.2017 là hơn 85 tỷ đồng cũng được Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao cho rằng phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lí. Theo cơ quan này, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan..., vì thế Vinasun yêu cầu Grab bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.
Chờ phiên tòa phúc thẩm
Cần nhớ rằng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do Vinasun đưa ra trong vụ kiện Grab là 42 tỉ đồng, tuy nhiên phiên tòa sơ thẩm phán quyết chỉ bồi thường ở mức 4,8 tỉ đồng. Phía Grab đã không đồng tình với phán quyết này và đã kháng cao.
Một trong những vấn đề mấu chốt được đưa ra phân tích và đã gây ra tranh cãi kịch liệt giữa phía Vinasun - Grab chính là việc chứng minh và giám định thiệt hại. Tuy nhiên, phía Cty giám định đã không có mặt tại tòa sơ thẩm để được đối chất.
Mấu chốt thứ hai là việc chứng minh mối liên quan thiệt hại có tính nhân - quả giữa Grab với thiệt hại của Vinasun, cũng là cuộc tranh luận chưa thể ngã ngũ.
Chính vì thế, phiên xử phúc thẩm sắp tới đang được trông đợi sẽ làm rõ các yếu tố trên để có cơ sở phán quyết việc Grab có gây ra thiệt hại và bồi thường cho Vinasun hay không, hay Vinasun có thực sự đã bị thiệt hại do Grab hoạt động vi phạm gậy ra hay không.
Vụ kiện đã kéo dài hơn một năm qua và phiên xử sơ thẩm vẫn chưa thể khép lại vụ việc. Đây là vụ kiện có tính điển hình trong tranh chấp giữa hai phương thức kinh doanh: Một bên Vinasun kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống, còn một bên Grab cung cấp kết nối cho dịch vụ di chuyển trên nền Internet hay còn gọi là kinh doanh O2O (online to offline).
Vấn đề là, quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân cũng chỉ là ý kiến một phía chứ không có tính quyết định. Tất cả phụ thuộc vào phiên xử phúc thẩm sắp tới đưa ra phán quyết cuối cùng như thế nào.