Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Sau 1 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ được vận hành an toàn, thông suốt, quy mô thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự cải thiện tình hình phát hành TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp.
Theo báo cáo của HNX, tại thời điểm khai trương, thị trường có 19 mã TPDN riêng lẻ của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng. Sau một năm HNX đã tiếp nhận hồ sơ và đưa vào giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ là 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp (DN) với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 832.189,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, thanh khoản TPDN riêng lẻ được cải thiện rõ rệt, giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng đầu tiên khai trương thị trường đạt 250,6 tỷ đồng/phiên. Sau 1 năm giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ bình quân đạt 3.704,5 tỷ đồng/phiên, tập trung chủ yếu vào nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng (38,3%), công ty chứng khoán (gần 32%).
Đánh giá về vai trò của thị trường TPDN thứ cấp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết, thị trường TPDN Việt Nam có sự tham gia rất lớn của nhà đầu tư cá nhân. Hiện, nhà đầu tư cá nhân (cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) nắm giữ khoảng 30% trong số 1,2 triệu tỷ trái phiếu đang lưu hành.
Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp có một đời sống phong phú trước khi đến hạn, có thể được "trao tay" từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác. Mỗi lần trao tay, trái phiếu được kiến tạo lợi nhuận hoặc thua lỗ (lợi suất trái phiếu). Cũng như lãi suất, lợi suất được tính theo năm trong giả định người nắm giữ trái phiếu sẽ nắm đến khi trái phiếu đến hạn và được trả lãi. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư có thể mua bán trái phiếu. Khi đó, mức giá của mỗi trái phiếu doanh nghiệp giao dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó cơ bản nhất là khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp. Khả năng này, theo thông lệ quốc tế sẽ được đo bằng cách xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Thị trường TPDN thứ cấp không chỉ góp phần minh bạch cho thị trường trái phiếu nói chung trong suốt vòng đời trái phiếu mà còn là cơ sở tham chiếu cho thị trường sơ cấp, vì những dữ liệu giao dịch, giá trên HNX sẽ được sử dụng làm căn cứ tính toán các chỉ báo, chỉ số cho thị trường sơ cấp.
Ông Thuân cho rằng, thanh khoản thị trường trái phiếu gần đây đạt gần 4.000 tỷ/phiên, đáng chú ý, có những phiên đạt hơn 10.000 tỷ/phiên - đã tiệm cận thị trường trong khu vực và là tín hiệu tốt, cho thấy thanh khoản thuận lợi.
Hiện có khoảng 1.000 mã trái phiếu đang giao dịch trên HNX, trong khi cổ phiếu niêm yết chính thức cũng chỉ khoảng 1.400 - 1.500 mã. Do đó, Chủ tịch FiinGroup tin tưởng rằng, lượng lô trái phiếu sau một vài năm tới sẽ vượt số lượng cổ phiếu đang giao dịch.
Vai trò của thị trường TPDN thứ cấp được khẳng định là rất lớn, không chỉ góp phần minh bạch cho thị trường trái phiếu nói chung trong suốt vòng đời trái phiếu mà còn là tham chiếu cho thị trường sơ cấp, vì những dữ liệu giao dịch, giá trên HNX sẽ được sử dụng làm căn cứ tính toán các chỉ báo, chỉ số cho thị trường sơ cấp.
"Một doanh nghiệp tốt được xếp hạng tín nhiệm cao thì có thể được thị trường chấp nhận phát hành với mức lãi suất danh nghĩa thấp, một cách phù hợp, dựa trên cơ sở tham chiếu dữ liệu giao dịch trên HNX. Vì vậy, phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp không chỉ là câu chuyện minh bạch khi thông tin kê khai mà còn là cơ sở tham chiếu cho thị trường sơ cấp", ông Thuân nói.
Đánh giá chung về sự phát triển của thị trường TPDN, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh, sau 1 thời gian đi vào trầm lắng, thị trường TPDN đã "hạ cánh mềm", đối với trái phiếu cũ thuộc lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo đang bước vào chu kỳ phát triển mới. Hiện những DN minh bạch hoặc có chất lượng tốt đã phát hành mới trở lại và không chỉ nhóm bất động sản, ngân hàng có nhu cầu huy động vốn qua trái phiếu, một số ngành chủ chốt cũng đã tham gia phát hành, trong đó có hạ tầng, nước, rác thải. Đặc biệt, đã có sự xuất hiện của các tổ chức bảo lãnh trái phiếu, tạo kỳ vọng phát triển thị trường thời gian tới chậm nhưng chắc.
Ông Thuân cho rằng, chủ trương tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên tương đương 25% GDP vào năm 2023 là mục tiêu thạm vọng và có nhiều việc phải làm. Vấn đề không chỉ là chính sách, hạ tầng thị trường, mà còn là thúc đẩy phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức - là điều kiện quan trọng để phát triển thị trường.
"Chúng ta phải thừa nhận rằng, thị trường trái phiếu phần lớn dành cho tổ chức tham gia, nhà đầu tư cá nhân nên tham gia thông qua các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, bởi để đánh giá được rủi ro cho 1 lô trái phiếu, với nhà đầu tư cá nhân (kể cả những người làm trong ngành tài chính) gần như là bất khả thi", ông Thuân nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội thảo Làm sao để biết được một trái phiếu "đắt" hay "rẻ" do FiinRatings tổ chức gần đây, bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank nhấn mạnh, phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp là yếu tố quyết định với nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư.
Theo đó, một số dữ liệu rất quan trọng với các nhà đầu tư tổ chức là sắc xuất vỡ nợ, đường cong lợi suất. Những dữ liệu này giúp định hướng nhà đầu tư mua thời điểm ban đầu, sau đó là quản trị rủi ro trong quá trình nắm giữ. Tuy nhiên, hiện nay các dữ liệu này trên thị trường là không phổ biến, chủ yếu nhà đầu tư dựa trên kinh nghiệm khiến rủi ro lớn hơn.
Bà Nguyễn Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ PVI cho rằng, quy mô phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam so với GDP còn quá nhỏ bé, mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn huy động vốn qua ngân hàng.
Đề xuất ý kiến phát triển thị trường trái phiếu thời gian tới, bà Giao cho biết, về phía cầu, theo thông lệ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là đơn vị chính tham gia thị trường trái phiếu và sẽ là đơn vị đầu tư nhiều nhất. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, DN bảo hiểm không được đầu tư trái phiếu tái cơ cấu nợ. Xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chủ yếu trái phiếu kỳ hạn 3 năm, trong khi vòng đời dự án thường lên tới 5-7 năm, vì vậy, nhu cầu phát hành trái phiếu tái cơ cấu nợ là cần thiết, chính đáng. Đại diện Quản lý quỹ PVI cho rằng, không cho đầu tư trái phiếu tái cơ cấu nợ là bất cập.
Theo Đình Vũ (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
https://nhadautu.vn/phat-trien-thi-truong-tpdn-tu-tang-thanh-khoan-thi-truong-thu-cap-d88190.html