Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung |
Tính toán cụ thể, sát thực tế để xây dựng dự toán thu
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 51/2023/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2024 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự toán thu năm 2024 cần bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực của năm 2023; đồng thời, phải tính đến việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 tăng khoảng 5 - 7%
Tại Thông tư 51/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Ngoài ra, việc xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Để thu đúng, thu đủ về ngân sách, các bộ, ngành, địa phương phải quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuể, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Xây dựng dự toán phải thận trọng, an toàn
Những năm qua, công tác dự báo và dự toán thu NSNN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính điều hành thận trọng từ khâu xây dựng dự toán. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chưa lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách, những phương án điều hành thận trọng là có cơ sở. Còn nhớ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dự toán thu NSNN phải hết sức thận trọng.
Tuy nhiên, trong năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, nhiều chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,…) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho NSNN.
Sở dĩ, ngành Tài chính luôn phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN là do đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh. Đồng thời, ngành Tài chính đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào NSNN theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Trong một cuộc tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã chia sẻ, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về NSNN được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách (Ủy ban Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội) cho biết, về cơ bản dự báo về thu NSNN của Chính phủ và Bộ Tài chính tương đối sát. Khi xây dựng dự toán NSNN phải dựa trên sự thận trọng, chắc chắn, an toàn. Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ không thể đưa ra dự toán NSNN ở mức quá cao, nếu dự toán ở mức thận trọng, an toàn, thì khi vượt thu Chính phủ vẫn có thể điều chỉnh các kế hoạch chi.
Thực tế, thời gian qua, dự toán NSNN về cơ bản tích cực và đảm bảo nhiệm vụ duy trì bộ máy hoạt động của Nhà nước và các nhiệm vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tiết giảm chi tiêu khi chưa dư dả
Cho ý kiến tại một phiên họp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Chung (Yên Bái) cho rằng, tình hình thực hiện thu NSNN vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo nhiệm vụ chi, mặc dù trong bối cảnh phải thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế…
Vấn đề dự toán NSNN luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Thu đã khó thì buộc phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Đối với chính sách thu NSNN, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng tất cả nguồn thu để đánh giá chính xác, đúng với tình hình thực hiện để xây dựng dự toán. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đánh giá cao ngành Tài chính trong bối cảnh nhiều khó khăn như thời gian qua, nhưng đã đảm bảo được nguồn thu ngân sách, thậm chí thu NSNN luôn đạt và vượt dự toán đề ra, từ đó có nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều lần khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong điều hành, Chính phủ chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi.
Trong điều kiện ngân sách quốc gia chưa phải đã dư dả, phần chi cho đầu tư phát triển chủ yếu vẫn từ nguồn đi vay, dù vậy, ở đâu đó vẫn còn tình trạng lãng phí xảy ra. Chi thường xuyên đã giảm mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều khoản mua sắm các thiết bị đắt tiền không sử dụng hết công năng; chi hội thảo, hội nghị, khánh tiết, kỷ niệm còn dềnh dang và tổ chức hoành tráng gây tốn kém. Nhiều khoản chi khá lớn không sử dụng hết phải hủy bỏ gây lãng phí nguồn lực trong khi còn nhiều khoản chi khác đang thiếu vốn.
Do đó, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài khóa chính là yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải đảm bảo chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, Luật NSNN đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách và phải chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định chi tiêu của mình.
Theo Minh Anh (Thời báo Tài chính)
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lap-du-toan-thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2024-can-sat-thuc-te-132699.html