Nhìn đâu cũng thấy... Bali
Sân bay quốc tế Ngurah Rai của Bali (Indonesia), sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, tôi ngớ người bởi toàn bộ “nội cung” sân bay được trải thảm với hoa văn truyền thống. Và khắp nơi là những cây nêu được bện bằng lá cọ trang trí sặc sỡ cùng những dù lọng kiểu thường thấy trong các đền thờ được dựng lên để chào đón du khách. Bất ngờ nữa, Ngurah Rai là một sân bay quốc tế hiện đại 3 tầng, nhưng ở tầng dưới cùng, vẫn có một vòng thành với các cửa ra vào được xây dựng kiểu kiến trúc truyền thống trông như đang ở trong một ngôi đền Hindu nào đó.
Tôi đã đi qua rất nhiều sân bay quốc tế cũng như nội địa ở Châu Á và Châu Âu, nhưng chỉ có đến Ngurah Rai tôi mới có cảm giác “à, thế là mình đã đến Bali”. Tôi tò mò và bày tỏ ngạc nhiên với một nữ nhân viên ở sân bay tên là Widni Ani về những điều mình nhìn thấy và cảm nhận thì được trả lời: “Cảm ơn những lời khen của anh. Nhưng điều này đã có từ lâu lắm rồi, kể từ khi sân bay được xây dựng để đón khách và ở đây chỉ là một vài ví dụ thôi. Anh phải vào Bali mới cảm nhận được hết. Chúng tôi rất tự hào với văn hóa truyền thống của mình và luôn muốn giới thiệu nó với bạn bè trên khắp thế giới”.
Với diện tích trên 5.600km2 bao bọc xung quanh là những rặng núi trải dài từ Tây sang Đông, thiên đường du lịch Bali, điểm đến tốt nhất thế giới năm 2017 theo xếp hạng của trang web du lịch TripAdvisor. Hòn đảo này được Henrik Van Kol - đại diện của chính quyền Hà Lan thời bấy giờ ở Indonesia phát hiện vào năm 1920 và được đưa vào khai thác du lịch cho đến thế chiến thứ 2. Có một điều đặc biệt xảy ra ở đây là dù chính quyền Hà Lan với hơn 100 năm cai trị hay Indonesia (giành độc lập từ 1949), chính quyền đều nhất quán không cho phép can thiệp vào những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo, cuộc sống nông nghiệp... nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân trên đảo.
Chính sự nhất quán của chính sách cộng với ý thức của người dân đã dẫn đến kết quả: Bali đến thời điểm này có hơn 3,2 triệu dân, cùng với đó là hơn 1.200 khách sạn và resort từ cao cấp đến bình dân, nhưng đi khắp Bali, tôi tuyệt không thấy một ngôi nhà nào cao quá 3 tầng, kể cả trụ sở chính quyền. Lại càng không thấy được những kiến trúc nhà ống lồi lõm với kiến trúc Đông - Tây đắp vá lởm chởm như nhiều đô thị khác trên thế giới. Nhà cửa ở Bali dù bề thế hay nhỏ bé đều được xây dựng theo kiến trúc truyền thống là hình vuông bốn mái lợp ngói và quanh nhà trồng rất nhiều hoa.
Ngay cả resort 5 sao Meliã Bali mà tôi trú ngụ, kiến trúc, trang trí cũng mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống chứ không giống những Meliã khác cùng hệ thống ở Việt Nam và thế giới. Điều đặc biệt nữa là cả Bali, từ khách sạn, nhà ở, công viên, đường phố... gần như là một vườn tượng - tượng thần và cả tượng Phật mênh mông. Những bức tượng bằng đá, gỗ với nhiều hình thù, kiểu dáng khác nhau được chế tác tinh xảo đến mức mê mẩn. Và tất cả tượng (ngoài tượng Phật) đều được thắt những dải yếm sặc sỡ ngang lưng đồng thời gắn những bông hoa vạn thọ hay sứ trắng lên tai, trông thật ngộ nghĩnh. Chính những điều vừa kể đã mang lại cho du khách cảm giác ở đây nhìn đâu cũng chỉ thấy mỗi... Bali truyền thống!
Con người, thiên nhiên và thần linh hòa hợp
Một trong những lý do khiến Bali hút khách chính là sự yên bình bởi con người ở đây từ trong máu đã thấm đẫm một triết lý sống rất đặc biệt gọi là “Tri Hita Karana” của đạo Hindu. Sudarwati - cô bé lễ tân nơi resort tôi ở giải thích đại ý, hạnh phúc chỉ đạt được khi con người biết sống hòa hợp với thần linh, thiên nhiên và cả người với người. “Tất nhiên “Tri Hita Karana” không chỉ là lý thuyết hay khẩu hiệu mà triết lý này được chúng tôi thực hành hàng ngày từ sinh hoạt đến công việc, giao tiếp, hành xử...” - Sudarwati nói. Và trong hơn 10 ngày ở Bali, tôi đã cảm nhận được rất rõ “Tri Hita Karana” là thế nào. Từ Sudarwati cho đến những người dân mà tôi tiếp xúc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, thậm chí là cả việc một nông dân nhường luôn bữa trưa cho tôi trên khu ruộng bậc thang ở làng Tegalalang vì tôi ham ẩm thực lạ cũng đều thể hiện sự vui vẻ chân thành chứ không làm màu hay phục vụ, trình diễn... kiểu thường thấy.
Trong số hơn 3,2 triệu dân Bali, có đến 95% theo đạo Hindu (Ấn giáo), còn lại là các tôn giáo khác. Nhưng không tin được là Bali lại có đến hơn... 20 nghìn đền thờ Hindu giáo lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 7 ngôi đền nổi tiếng thế giới gồm: Tanah Lot, Pura Besakih, Ulun Danu, Taman Ayun, Tirta Empul, Pura Luhur (Uluwatu), Goa Lawah. Thú vị là gần như tất cả nhà dân ở Bali đều có đền thờ. Và sự giàu hay nghèo của mỗi gia đình ở Bali, theo như Sudarwati là có thể nhìn thấy ngay từ ngôi đền và số lượng đền trước nhà. Nhà giàu có thì đền nhiều và to, có khi chiếm đến 1/3 diện tích đất ở; nhà nghèo thì đền nhỏ kiểu như miếu thờ ngoài sân ở miền Trung Việt Nam, nghèo nữa thì dựng lên một cây cột tre với 3 tầng thờ không cần mái che. Vậy nên có cảm giác là ở Bali, cứ đi khoảng 5m thì gặp một ngôi đền.
Cũng theo Sudarwati, mỗi một người phụ nữ Bali theo Hindu giáo như cô, trung bình mỗi ngày dành đến...1/3 thời gian để cúng thần và chăm sóc đền thờ vào lúc sáng, trưa, chiều chưa kể đến rất nhiều ngày lễ vía khác trong năm phải cúng lớn. Lễ vật thường là một mảnh lá chuối tươi, bên trên có một dúm cơm, muối, và nhiều loại hoa, trong đó nhiều nhất và không thể thiếu là hoa sứ hay còn gọi là hoa Chămpa. Việc cúng thần linh và chăm sóc đền thờ được người dân thực hiện đều đặn mỗi ngày và họ tin rằng đó cũng là một cách thực hành triết lý “Tri Hita Karana”, cũng như niềm tin chân thành và bất diệt rằng thần sẽ mang lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không đau ốm bệnh tật, không bị tà ma quấy phá... Vậy nên lang thang ở Bali, lúc nào tôi cũng nghe trong không khí thoảng một mùi nhang và hoa đặc trưng.
Lạ nữa, Bali là thiên đường du lịch thế giới với mỗi năm đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, nhưng văn hóa phương Tây hầu như không tác động gì nhiều đến nhân sinh quan và cách sống của người Bali. Ở các khu vực trung tâm và bờ biển, quán bar, vũ trường, các trung tâm mua sắm... mọc lên như nấm để phục vụ khách du lịch, nhưng người Bali, kể cả nhân vên phục vụ trong quán tụ điểm ăn chơi như cô bé Susadri mà tôi trò chuyện ở một quán bar nổi tiếng vẫn nói rằng “chúng tôi vẫn sống ung dung và giữ niềm tin tuyệt đối vào thần linh cũng như tìm thấy niềm vui trong việc cúng lễ, múa hát. Đặc biệt, chúng tôi vẫn thấy thoải mái với cách ăn mặc và sinh hoạt theo kiểu truyền thống...”.
Chất Bali...
Triết lý sống “Tri Hita Karana”, niềm tự hào về văn hóa và kiến trúc truyền thống, chính quyền nhất quán không cho phép can thiệp vào những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo, cuộc sống nông nghiệp..., tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có để phát triển với nhiều loại hình du lịch khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các du khách mong muốn như du lịch thể thao, du lịch sinh thái hay du lịch văn hóa... là các yếu tố tạo nên thiên đường du lịch Bali như hiện nay với mỗi năm, như năm 2017 đón đến hơn 6 triệu lượt khách (bằng hơn 1/3 khách đến Việt Nam cộng lại). Và con số này ở toàn Indonesia là... 14 triệu lượt! Và con số sau đây mới khủng khiếp: Năm 2017, khi núi lửa Agung phun trào, Bali buộc phải đóng cửa sân bay quốc tế và trung bình mỗi ngày, hòn đảo này thiệt hại đến... 18 triệu USD nguồn thu từ du lịch và dịch vụ!
Và trong khi tôi loay hoay chưa biết tổng hợp thành tên gọi là gì thì hướng dẫn viên du lịch có cái tên rất ngộ là Maradona (anh này người Bali nhưng vì ba mẹ rất mê danh thủ bóng đá Maradona nên đặt tên con như vậy) mà tôi trò chuyện trong khi đi thăm một ngôi đền nổi tiếng nói rằng đó chính là “Balinese” - chất Bali theo như cách gọi của nhiều hãng lữ hành, những tạp chí, kênh truyền hình về du lịch danh tiếng trên thế giới. Maradona nói đại ý theo hiểu biết hạn hẹp của ông thì “chất Bali” nhiều năm trở lại đây không chỉ làm nên sự thành công của du lịch Bali mà còn tạo cảm hứng, ảnh hưởng đến cách làm du lịch của nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có văn hóa và khí hậu tương đồng trong khu vực...
Maradona nói không sai bởi tôi đã nhìn thấy “chất Bali” tạo cảm hứng và thành công như thế nào, từ resort Furama ở Đà Nẵng hay Shore club ở biển An Bàng khi sự thành công của họ, có phần không nhỏ từ việc đưa văn hóa bản địa vào kiến trúc cùng với style và dịch vụ chuẩn mực thế giới.