Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đạo đức và văn hoá kinh doanh là nguồn lực sức mạnh của doanh nghiệp

Thứ ba, 11-10-2022 | 22:28:00 PM GMT+7 Bản in
Xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ có ý nghĩa với quốc gia và doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (ngày 11/10) tại Hà Nội.


Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (giữa) chủ trì hội thảo.

Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa của VCCI hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, sự quan tâm này tiếp tục được nâng cao. Từ năm 2004, Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; năm 2011 lần đầu tiên trong lịch sử có Nghị quyết chuyên đề - Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, các quy định về doanh nhân, quyền đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp năm 2013…

Sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.


Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

“Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu. Đất nước ta đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, chỉ còn hơn 20 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu”.

Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định: Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới. Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công, nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng quyết định sự thắng thua, thành bại.

Doanh nghiệp các nước phát triển đang phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức, văn hoá kinh doanh. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển. Việc hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thường được thị trường chấp nhận trả giá cao hơn cho thấy giá trị kinh tế của uy tín, đạo đức, văn hoá kinh doanh.

Chủ tịch VCCI thông tin, ở nước ta, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội và tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia. Do vậy VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.


Các đại biểu dự hội thảo

Trong những năm qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021 với tầm nhìn xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng”, đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá chiến lược trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, (2) Tuân thủ pháp luật, (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính, (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Ngày 30/7/2022, VCCI đã phát động Chương trình bình xét trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022” hướng đến xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh Việt Nam, thông qua việc đưa các tiêu chí về đạo đức doanh nhân lên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết trong bình xét danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu.

“Đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh là những phạm trù lớn, phức tạp. Để xây dựng thành công cần có sự nghiên cứu từ cơ sở lý luận đến chiến lược, giải pháp tổ chức thực hiện” - Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định.

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” là một hoạt động tiếp theo trong nhiều hoạt động mà VCCI đã và đang thực hiện, nhằm tiếp tục làm rõ nội hàm, khái niệm, cách thức xây dựng và lan tỏa sâu rộng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong cả nước.

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ được chắt lọc để VCCI báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, đề xuất với Bộ Chính trị các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong những năm tiếp theo, dự kiến  VCCI tổ chức thường niên chuỗi các hội thảo, diễn đàn về chủ đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) hàng năm.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/dao-duc-va-van-hoa-kinh-doanh-la-nguon-luc-suc-manh-cua-doanh-nghiep-232214.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)