Sáng ngày 25/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với với Quỹ tài trợ International SOS tổ chức Hội thảo: “Góc nhìn pháp lý và thực tiễn cho DN về chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho nhân viên”.
Thông tin tại buổi hội thảo cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn lao động (TNLÐ) nguyên nhân chủ yếu là do con người. Do đó, việc phòng, chống TNLÐ phải bắt đầu từ việc người lao động có ý thức tự bảo vệ mình, chấp hành nội quy, quy trình an toàn lao động (ATLÐ).
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), văn hoá an toàn tại nơi làm việc là văn hoá, trong đó, quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó, nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu.
Văn hoá an toàn trong DN bao gồm: thái độ, suy nghĩ, cách thức hành vi của mỗi cá nhân, đơn vị và nhóm người hướng tới đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, trở thành những giá trị nhân bản và không ngừng được hoàn thiện những giá trị và các quy tắc hành vi đảm bảo an toàn của con người, kết tinh lại thành giá trị văn hoá của con người.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, VN đã và đang là một điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực và quốc tế. Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI trong năm 2016 đạt 24 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Kinh tế VN vẫn kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt nam đã và đang đàm phán. Năm 2017, VN sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới, nhờ có nhiều yếu tố tích cực như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh.Hoạt động đầu tư nước ngoài tại VN đã và đang phát triển một cách nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng nhanh về số lượng doanh nhân và chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại VN.
Bên cạnh đó, cuối năm 2015 việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo ra sự dịch chuyển lao động không chỉ có sự dịch chuyển lao động trong các lĩnh vực kinh tế mà còn có sự dịch chuyển lao động giữa các nước. Những vấn đề đó đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động và tạo ra môi trường làm việc an toàn cho người lao động làm việc trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Phòng, pháp luật VN đã có những quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của người lao động tại nơi làm việc thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật như Bô Luật Hình sự 1999, Bộ Luật Lao động 2012, Luật Người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật BHXH…
Đảm bảo an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người, trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở DN. Lúc này, mọi hành vi ứng xử của con người tại nơi làm việc nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn không mang tính tự phát, không chỉ bị “cưỡng chế", điều chỉnh bằng các tiêu chuẩn và quy chế an toàn có tính chất bắt buộc (luật pháp) mà quan trọng hơn là sự tự điều chỉnh một cách tự động (tự giác). Và như vậy, môi trường làm việc của người lao động trong DN, nhất là tại nơi làm việc khi đó đạt mức độ an toàn tuyệt đối và lý tưởng nhất. Về thực chất đó là sự bảo hiểm trong việc phòng ngừa, loại trừ và khắc phục các tai nạn rủi ro có thể xảy ra trong lao động. Văn hóa an toàn tại nơi làm việc đặc biệt có ý nghĩa khi người công nhân làm việc ở những nơi có nguy cơ cao về mất an toàn trong lao động do tính chất lao động và đặc điểm của sản phẩm, kỹ thuật và công nghệ áp dụng…
Như chia sẻ của ông Francis – TGĐ của International SOS VN, trách nhiệm chăm sóc không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là một yếu tố quyết định sự thành công của DN. Cách thức chăm sóc nhân viên và người lao động sẽ phản ánh việc người sử dụng lao động đã bảo vệ những tài sản quý giá nhất của mình như các giá trị cốt lõi của DN. Ngoài ra, những khuyến nghị trong bài viết về “trách nhiệm chăm sóc tại VN” chắc chắn sẽ hỗ trợ các DN VN đạt được những hiệu quả nhất định từ việc phòng ngừa, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, và đặc biệt hơn là hỗ trợ các DN hoàn thành trách nhiệm đối với xã hội.