Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ông Vint Cerf - Người được mệnh danh là "cha đẻ" của internet.
Tại một hội nghị ở Mountain View, California, được tổ chức đầu tuần này, huyền thoại công nghệ Vint Cerf đã cảnh báo các công ty công nghệ đừng tranh nhau đầu tư vào AI đàm thoại chỉ vì “đó là một chủ đề nóng”.
“Có một vấn đề đạo đức ở đây mà tôi hy vọng một số bạn sẽ xem xét. Mọi người đang nói về ChatGPT hoặc phiên bản Chat GPT của Google, được gọi là Bard, và chúng ta biết rằng nó không phải lúc nào cũng hoạt động theo cách chúng ta muốn”, ông Cerf nói với đám đông tại hội nghị.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ChatGPT ngày càng phổ biến và nhiều quốc gia cũng như các ông lớn công nghệ đang gấp rút đưa ra các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tạo ra những chatbot thông minh.
"Cha đẻ" của Internet đã cảnh báo về sự cám dỗ đầu tư chỉ vì công nghệ này “thực sự thú vị, mặc dù không phải lúc nào nó cũng hoạt động bình thường”.
“Nếu bạn nghĩ: "Trời ạ, tôi có thể bán thứ này cho các nhà đầu tư vì nó là một chủ đề nóng và mọi người sẽ ném tiền vào tôi", thì đừng làm vậy", ông Cerf nói.
Ông Cerf cảnh báo: “Hãy thận trọng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với những công nghệ này và thành thật mà nói, phần lớn vấn đề là do con người, đó là lý do tại sao con người chúng ta không thay đổi trong 400 năm qua. Họ sẽ tìm cách làm những gì có lợi cho họ chứ không phải bạn. Vì vậy, chúng ta phải ghi nhớ điều đó và suy nghĩ kỹ về cách chúng ta sử dụng những công nghệ này”, ông Cerf ám chỉ việc lòng tham của con người có thể khiến việc tạo ra và sử dụng các công nghệ AI một cách phi nhân đạo hay méo mó.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, người được mệnh danh là "nhà truyền giáo của Google" cho biết ông đã thử yêu cầu một trong các hệ thống chatbot đính kèm biểu tượng cảm xúc ở cuối mỗi câu. Hệ thống thử nghiệm đã không làm theo yêu cầu và khi ông Cerf phản ánh lại, chatbot cũng chỉ xin lỗi người dùng mà không hề thay đổi hành vi.
Vint Cerf nhận định về chatbot: “Chúng còn lâu mới đạt được nhận thức hoặc sự tự nhận thức".
Theo ông Cerf, có một khoảng cách giữa những gì công nghệ nói rằng nó sẽ làm và những gì nó làm. ″Đó chính là vấn đề. Bạn sẽ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa một câu trả lời ”được diễn đạt một cách hùng hồn" và một câu trả lời chính xác".
Lấy ví dụ về trường hợp này, ông Cerf cho biết đã yêu cầu một chatbot cung cấp tiểu sử về bản thân. Chatbot sau đó đã đưa ra câu trả lời đầy đủ và được trình bày như một sự thật hiển nhiên, dù những thông tin này còn nhiều điểm không chính xác.
“Về mặt kỹ thuật, tôi nghĩ những kỹ sư như tôi phải có trách nhiệm cố gắng tìm cách chế ngự một số công nghệ này để chúng ít gây hại hơn. Và tất nhiên, tùy thuộc vào việc ứng dụng, một câu chuyện hư cấu không mấy hay ho cũng là một vấn đề. Nhưng đưa ra lời khuyên cho ai đó có thể gây hậu quả về mặt y tế. Vì vậy, việc tìm cách giảm thiểu những trường hợp xấu nhất vô cùng quan trọng”, cha đẻ Internet nói.
Ông Cerf đã từng là phó chủ tịch và “người truyền bá internet chính” cho Google từ năm 2005. Ông được biết đến như một trong những “cha đẻ của Internet” vì ông đã đồng thiết kế một số kiến trúc được sử dụng để xây dựng nền tảng của Internet. Do đó, lời cảnh tỉnh của ông Cerf đã khiến rất nhiều người phải nhìn nhận lại về việc đầu tư vào AI.
Trước đó, Chủ tịch Alphabet John Hennessy cũng từng nói rằng các hệ thống này vẫn còn lâu mới được sử dụng rộng rãi và chúng có nhiều vấn đề về độ không chính xác cũng như còn tồn tại “độc tính” cần được giải quyết trước khi thử nghiệm sản phẩm ra công chúng. Tại Trung Quốc, nhiều công ty công nghệ cũng bắt đầu đưa ra cảnh báo về sự đầu tư ồ ạt vào chatbot thông minh có thể không mang lại nhiều lợi ích như dự kiến.