Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Hình ảnh tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử. Ảnh: Phạm Đông
Theo Cổng thông tin Chính phủ, ngày 2.3, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 63/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.
Thông báo kết luận nêu rõ, hiện có 21 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (khoảng 70 dự án thành phần) thuộc danh mục theo dõi, chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong quá trình triển khai phải luôn luôn quán triệt, thực hiện sáu yêu cầu sau: Thứ nhất phải bảo đảm chất lượng; Thứ hai phải bảo đảm tiến độ; Thứ ba phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái; Thứ tư không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; Thứ năm chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; Thứ sáu bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp...
Về các nhiệm vụ cụ thể, đối với nhóm chưa duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, An Giang và Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án thành phần. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án theo tiến độ Chính phủ giao.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương được giao là cơ quan chủ quản triển khai các dự án bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, an toàn, đúng tiến độ.
Đối với nhóm đã duyệt dự án đầu tư (3 dự án thành phần của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu), Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm hoàn thành 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30.6.2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với nhóm đang thi công, trong đó có 3 dự án cao tốc đưa vào khai thác dự kiến tháng 4.2023 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải, các Ban quản lý dự án cần tập trung, quyết liệt hơn nữa và nhà thầu tăng cường trang thiết bị nhân lực làm việc "3 ca, 4 kíp", làm liên tục bảo đảm đưa các dự án vào khai thác sử dụng trong tháng 4.2023.
Các dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TPHCM đang triển khai rất chậm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TPHCM trực tiếp chỉ đạo triển khai các dự án.
Các bộ, ngành, địa phương cần cải tiến cách làm, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, chủ động, tập trung giải quyết nhanh các vướng mắc, kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền. Trường hợp còn vướng mắc giữa các bộ thì bộ trưởng phải chủ trì họp với các bộ liên quan để giải quyết dứt điểm.
Đối với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao tại văn bản số 520/VPCP-QHQT ngày 31.1.2023.
TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 13.9.2022; đưa đoạn trên cao vào khai thác trong Quý II năm 2023.
Theo Phạm Đông (Báo Lao động)