Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo các quy định hiện hành, từ ngày 1/1/2015, áp dụng thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc và các nhóm thiết bị gia dụng, thiết bị công nghiệp, văn phòng và thương mại sẽ không được nhập khẩu và sản xuất nếu thiết bị này có hiệu suất dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Rõ ràng việc dán nhãn năng lượng các sản phẩm điện là cần thiết, góp phần tiết kiệm điện, hạn chế hàng kém chất lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, thủ tục này lại đang gây khó khăn cho DN và rất cần động thái gỡ vướng kịp thời từ cơ quan quản lý.
Vòng luẩn quẩn
Theo Bộ KHĐT, một vướng mắc lớn là theo quy định, hàng hóa muốn thông quan thì phải có nhãn năng lượng. Nhưng để có nhãn năng lượng thì doanh nghiệp (DN) phải có sản phẩm (hàng mẫu) mang đi đo kiểm và làm bộ hồ sơ gửi Bộ Công Thương để được xem xét cấp chứng nhận nhãn năng lượng.
Điều này có nghĩa là, dù lô hàng đã được nhập về nhưng DN không thể lấy được hàng mẫu để làm thủ tục xin cấp chứng nhận nhãn năng lượng. DN buộc phải đối phó bằng cách nhập hàng lậu về để làm thủ tục trước.
Thực tế, Cục Hải quan TPHCM từng phải xin ý kiến Tổng cục Hải quan về giải pháp tạm thời khi gặp những trường hợp này. Chẳng hạn, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 tiếp nhận yêu cầu thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với 4 mẫu màn hình máy tính của 2 DN FDI. Mỗi loại model chỉ có 1 mẫu. Hoặc một DN khác nhập khẩu sản phẩm động cơ điện là hàng mẫu để đưa đi kiểm tra hiệu suất năng lượng tại tổ chức kiểm định theo quy định. Vấn đề là các văn bản hiện hành không loại trừ hàng hóa nhập khẩu là hàng mẫu để đưa đi kiểm tra hiệu suất năng lượng.
Theo Hiệp hội Chuyển phát nhanh châu Á-Thái Bình Dương (CAPEC), hiện Tổng cục Năng lượng không có hướng dẫn với trường hợp nhập khẩu 1-2 sản phẩm làm quà biếu hoặc sử dụng nội bộ chứ không để mua bán. Chẳng hạn, khi một mô tơ trong dây chuyền sản xuất bị hỏng, DN cần nhập mới để thay thế, đây là mô tơ chuyên dụng công suất lớn, nặng tới hàng trăm kg, nhưng chỉ có Trung tâm kiểm định Quatest 1 tại Hà Nội mới đủ chức năng kiểm định. Hàng nhập về TPHCM, nhiều khi DN bị Hải quan phạt vì mở tờ khai quá thời hạn.
Cũng liên quan đến vấn đề đối tượng phải kiểm tra, theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải, Bộ Công Thương cần có phương án hướng dẫn để cơ quan Hải quan thực hiện thống nhất. Là vì, Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg có nêu chi tiết danh mục hàng hóa nhập khẩu phải có hiệu suất năng lượng không thấp hơn hiệu suất năng lượng tối thiểu, không ghi kèm mã số HS. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này, Quyết định số 11039 năm 2014 của Bộ Công Thương lại ban hành kèm theo mã số HS.
Ông Hải đặt vấn đề, vậy có được hiểu rằng chỉ có những hàng hóa nhập khảu có mã số HS trùng với mã số HS theo Quyết định số 11039 mới phải kiểm tra xác định mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, hay tất cả hàng hóa được nêu trong Danh mục nêu tại Điều 1 Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg và Điều 2 Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg đều phải kiểm tra?
Chi phí kiểm tra lớn hơn cả giá trị hàng hóa
Hơn nữa, thực tiễn thực hiện ở các DN cho thấy, thủ tục này tốn nhiều thời gian và chi phí. Theo phản ánh của các DN, thời gian thực hiện thủ tục này từ 1,5 - 2 tháng; chi phí đo kiểm cho một mẫu tivi từ 3 - 4 triệu đồng, tủ lạnh từ 7-8 triệu đồng...
Theo một công ty chuyên cung cấp thiết bị chiếu sáng, mỗi một mẫu đèn DN phải cung cấp 22 cái để làm giám định. Riêng thời gian giám định nhanh nhất cũng phải 3 tuần. Sau khi có kết quả DN lên Tổng cục Năng lượng xin Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng. Một hành trình như vậy, nhanh nhất phải 1 tháng; chưa kể chi phí cho một mẫu khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Theo tính toán, mỗi container nhập về sẽ phát sinh thêm vài chục triệu đồng.
Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt cuối tháng 11/2015 đã đưa ra các yêu cầu cho các Bộ trong việc cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó là hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành; tăng cường miễn, giảm kiểm tra; áp dụng quản lý rủi ro như kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan với hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển hoặc hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật; thực hiện công nhận kết quả kiểm tra từ các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như G7; quy định rõ tổng thời gian kiểm tra… Các văn bản này cũng yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi Quyết định số 11039 để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. |
Cũng theo công ty này, có những lô hàng mà cơ quan Hải quan hướng dẫn chỉ giám định một số mẫu chưa đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, nhưng phía cơ quan giám định lại tiếp tục yêu cầu DN phải giám định toàn bộ lô hàng và mỗi lô hàng nhập về đều phải giám định. Chưa kể đến hồ sơ đính kèm để xin giám định gồm rất nhiều giấy tờ: Giấy đăng ký dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản mô tả tóm tắt các thông số đặc trưng cơ bản của sản phẩm; CO; CQ; Bản sao hợp đồng mua bán; Tờ khai hàng hóa NK; Kết quả thử nghiệm (bản chính).
Trong nhiều trường hợp, chi phí làm thủ tục còn lớn hơn cả giá trị lô hàng. Chẳng hạn đại diện Công ty Hòa Phát cho biết, để nhập một động cơ dự phòng có giá chỉ từ 2-3 triệu, nhưng chi phí kiểm tra để dán nhãn năng lượng lại lên đến 6-7 triệu đồng. Chi phí cho thủ tục này càng tăng lên khi thời gian kiểm tra kéo dài, dẫn tới chi phí lưu kho cao. Theo Công ty Hòa Phát, hiện không có quy định nào về thời hạn trả kết quả kiểm tra, trong khi DN chỉ được “nợ” hồ sơ với Hải quan trong 60 ngày.
“Liệu có nơi nào khác làm được việc này ngoài Quatest 1 không? Lần này chúng tôi đã làm rồi thì lần sau cũng nhập máy ấy có phải làm nữa không?”, đại diện Công ty này đặt câu hỏi tại một buổi đối thoại hồi cuối năm 2015 với lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
Công ty TNHH điện cơ TECO Việt Nam từng có mặt hàng phải “dài cổ” để chờ kết quả kiểm nghiệm. Công ty gửi mẫu từ tháng 12/2014 nhưng mãi đến cuối tháng 6/2015 mới có kết quả kiểm nghiệm. Điều này đặt DN trước nguy cơ không thể hoàn thành hợp đồng và sẽ phải chịu phạt.
Điều rất đáng nói là thủ tục kiểm tra phức tạp, thời gian kiểm tra lâu, chi phí lớn như vậy, nhưng việc cấp nhãn năng lượng cho một model sản phẩm chỉ có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn, nếu muốn tiếp tục lưu thông dòng model sản phẩm này thì DN phải làm bộ hồ sơ khác để được xem xét cấp chứng nhận mới. Còn theo CAPEC, với màn hình vi tính, theo quy định tại Thông tư 07 năm 2012 của Bộ Công Thương, thì kết quả thử nghiệm chỉ có thời hạn không quá 6 tháng, quá ngắn và tốn kém, tốn thời gian cho DN.
Mặt khác, DN cho rằng, những mặt hàng đã được nhà cung cấp kiểm định và kết quả kiểm định về hiệu suất năng lượng cũng phù hợp, tương đương với tiêu chuẩn TCVN 7540-1:2015 thì không cần kiểm định mức năng lượng tối thiểu. Và DN sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện sai sót hoặc có sự không phù hợp với các quy định của Nhà nước.
Thành Đạt (diễn đàn cạnh tranh QG)