Khu vực trong nước chỉ đóng góp 30% kim ngạch xuất khẩu
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho biết, cán cân thương mại của Việt Nam hoàn toàn đối lập giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước. “Rõ ràng kết quả thương mại của Việt Nam có được là nhờ khu vực FDI, 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực này và đang đạt được thặng dư lớn, còn khu vực trong nước thì ghi nhận thâm hụt thương mại. Đó là một trong những sự mất cân bằng giữa khu vực FDI và khu vực trong nước”, ông Ousmane cho biết.
Theo ông Ousmane, nếu nhìn vào giá trị gia tăng (GTGT) trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thì sẽ thấy hai vấn đề nổi bật. Thứ nhất, giá trị nội địa trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp và trên thực tế còn thấp hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác. Chỉ một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra tại Việt Nam, phần còn lại là đầu vào nhập khẩu.
Thứ hai, tỷ trọng của giá trị nội địa trên thực tế đã giảm theo thời gian. Đóng góp về GTGT của Việt Nam đặc biệt thấp trong các hoạt động chế tạo hàng hóa giá trị cao. Ví dụ như hàng điện tử, điện thoại, giá trị nội địa của hàng điện tử chỉ chiếm khoảng 40%, còn 60% là nguyên liệu nhập khẩu. Trong giai đoạn 2005- 2016, GTGT từ nội địa đã giảm mạnh nhất đối với hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao. Điều này về thực chất phản ánh thực tế là đóng góp của Việt Nam phần lớn tập trung vào lắp ráp cơ bản, sử dụng nhiều lao động nhưng GTGT tương đối thấp.
Khi xem xét nguyên nhân của tình trạng này, Báo cáo Năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra tình trạng thiếu các đơn vị cung cấp địa phương đủ điều kiện tại Việt Nam. Còn bằng chứng từ khảo sát DN cho thấy, chỉ có 9% DN trong nước đạt các tiêu chuẩn về quy trình quản lý chất lượng cao phù hợp với quy trình quốc tế như IS 9000, 6 Sigma… trong khi các DN FDI có tới 50% đạt tiêu chuẩn này.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu kỹ năng nghiêm trọng hơn đối với các công ty có liên kết với DN FDI phản ánh nhu cầu cần có kỹ năng tinh xảo hơn để tuân thủ những yêu cầu về chất lượng và công nghệ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng liên kết giữa DN trong nước và DN FDI
Xem xét giá trị gia tăng trên các phân khúc khác nhau của chuỗi giá trị, lắp ráp, sản xuất thường chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng giá trị của sản phẩm cuối cùng. Phần lớn giá trị được tạo ra tại các ngành thượng nguồn như công tác nghiên cứu và phát triển, các ngành hạ lưu như marketing, dịch vụ. Tuy nhiên, sự tham gia của Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu lại chủ yếu tập trung vào khu lắp ráp trong công đoạn sản xuất cuối cùng.
Theo ông Ousmane, cần phải tập trung hơn vào các quy trình tiền sản xuất và hậu sản xuất thay vì khu vực ở giữa là sản xuất chế tạo. Việc Samsung đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào các cơ sở và trung tâm nghiên cứu phát triển toàn cầu tại Hà Nội, cũng như Tp. Hồ Chí Minh là một minh chứng hết sức sinh động cho thấy khả năng cũng như năng lực của lực lượng lao động Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn này, với hàm lượng giá trị cao. DN khác cũng có thể theo chân Samsung làm điều tương tự.
Vì vậy, cần phải có các hành động được phối hợp nhịp nhàng và mang tính chiến lược. Trong đó, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và hậu cần thì đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề, giúp mang lại kỹ năng phù hợp với thị trường lao động là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
World Bank cũng đưa ra khuyến nghị chiến lược cấp cao để nâng cao năng lực cạnh tranh có thể đi kèm với những bước đi cụ thể nhằm tăng cường mối liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước. Theo đó, Việt Nam cần thu hút vốn FDI chiến lược, chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và GTGT lớn. Điều này là rất cần thiết bởi lượng vốn FDI lớn có thể tạo ra những cơ hội thực sự cho các nhà cung cấp địa phương.
Bên cạnh đó, cần phải tập trung vào xây dựng năng lực cho các DN địa phương, xây dựng các cơ chế hỗ trợ để giúp các Dn này vượt qua những hạn chế về phía cung và được công nhận là nhà cung cấp đủ điều kiện.
Đồng thời, đẩy mạnh các liên kết kinh tế bao gồm các lĩnh vực dịch vụ. Việt Nam có cơ hội nâng cao giá trị trong nước để tận dụng được tối đa lợi ích từ nguồn FDI và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN trong và ngoài nước. Điều này cuối cùng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cần xây dựng cơ chế lựa chọn và kết nối hiệu quả để liên kết các DN FDI với các DN địa phương.
“Trong vấn đề này, Chính phủ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh hơn quan hệ đối tác công tư…”, ông Ousmane nhấn mạnh./.