Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Bình ổn vẫn xếp hàng
Vài ngày gần đây, nếu ai có việc đi qua ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ, Hà Nội chắc không khỏi ngạc nhiên khi từtờ mờ sáng đã có cả đoàn người xếp hàng, chầu chực trước Hội sở chính của Agribank. Cảnh xếp hàng tương tự đã diễn ra ở toà nhà Vietcombank, phía bên đối diện. Từ sáng ngày 12/6, Vietcombank đã nhanh chân "chuyển đổi số" cho người dân "xếp hàng online", tức đăng ký theo hình thức trực tuyến tại website của bank, nên đã giảm hẳn kiểu "xếp hàng vật lý" như cũ.
Người nghèo có thể không rõ lý do nhưng dân có tiền đều biết từ đầu tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai biện pháp bình ổn giá vàng bằng cách cho phép 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty SJC tham gia bán vàng miếng với giá thấp hơn thị trường. Mục tiêu là kiểm soát sự biến động giá vàng, giảm bớt áp lực tăng giá và hạn chế tình trạng găm giữ vàng trong dân, hay còn gọi là "bình ổn giá" vàng miếng!
Dĩ nhiên hơn 10 ngày chưa đủ để đánh giá về một can thiệp chính sách, song theo các phát biểu của các vị chức sắc và một số chuyên gia thì biện pháp này đã giúp giảm bớt tình trạng "sốt vàng" tạm thời. Cụ thể, trong các đợt bán vàng miếng của SJC, giá vàng đã hạ nhiệt từ trên 92 triệu đồng/lượng xuống sát 77 triệu đồng/lượng và người dân có cơ hội mua vàng với giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, tất cả các phát biểu đều tỏ ra thận trọng khi đánh giá hiệu quả dài hạn của biện pháp can thiệp này, bởi chưa biết Nhà nước còn bán vàng miếng với giá "bình ổn" đến khi nào và bao giờ người dân mới thôi xếp hàng mua?
Nói tóm lại giống như cuộc chơi kéo co mà một bên là cơ quan bán vàng "bình ổn" và một bên là các nhà đầu tư, đầu cơ... các loại!
Nỗi lo về "lạm phát"
Thực tế trong các phân tích từ trước đến nay, đa số đều nhấn mạnh đến các yếu tố độc quyền - cạnh tranh; cung - cầu vàng miếng mà ít ai nói đến nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý găm giữ vàng hiện nay là lo ngại lạm phát.
Ngoài thói quen của người Việt, có ba yếu tố chính tác động đến tâm lý này. Đầu tiên là việc tăng lương từ 1/7/2024, với nguồn cung tiên "phục vụ cải cách tiền lương" theo Nghị quyết của Quốc hội là 470 ngàn tỷ (chưa kể 11,1 ngàn tỷ chi tăng lương hưu). Với lượng cung tiền lớn như vậy sẽ tạo ra áp lực lạm phát rất lớn.
Yếu tố thứ hai chính là việc lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm và đứng ở mức "đáy" trong thời gian dài, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như trái phiếu, chứng khoán, nhà đất... rất bấp bênh và rủi ro khiến người dân tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn và sinh lời cao hơn, trong đó vàng là lựa chọn phổ biến.
Yếu tố thứ ba chính là việc Chính phủ tăng cường chi tiêu công, riêng năm 2024 tổng số vốn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lên đến 657 ngàn tỷ, phấn đấu giải ngân tới 95%, dẫn đến lượng tiền lưu thông tăng, góp phần tạo áp lực lạm phát.
Và như vậy, trong bối cảnh một xã hội Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam, có truyền thống găm giữ vàng như một tài sản an toàn thì dễ hiểu tại sao "Vàng giảm vẫn xếp hàng mua". Đặc biệt hơn, trong bối cảnh một thế giới đầy bất ổn với dịch bệnh, thiên tai và nay là xung đột vũ trang thì vàng không chỉ được coi là một loại hàng hóa tiêu dùng, cất trữ mà còn là một dạng tiền tệ.
Chống lạm phát có phải bằng "bình ổn" giá vàng?
Theo lý thuyết cơ bản về kinh tế thì "lạm phát" là do tiền nhiều hơn hàng dẫn đến tình trạng tăng giá liên tục của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế qua một khoảng thời gian. Khi lạm phát xảy ra, sức mua của đồng tiền giảm xuống, nghĩa là với cùng một lượng tiền, người tiêu dùng có thể mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây.
Vậy điều quan tâm là làm sao "giải" được các yếu tố tâm lý đó để người dân không cần, không muốn, không thể tham gia vào cuộc "kéo co" vàng miếng "bình ổn giá" với Nhà nước nữa?
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, một số Chính phủ đã sử dụng biện pháp bán vàng dự trữ ra thị trường với giá thấp nhằm bình ổn giá và làm giảm nhu cầu tích trữ vàng. Đây là một trong những biện pháp của chính phủ Ấn Độ từng thực hiện thông qua cách thức xuất vàng dự trữ ra bán để kéo giá xuống nhằm giảm nhập khẩu vàng, giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và kiểm soát lạm phát.
Báo chí Ấn Độ cho biết, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dù sở hữu hơn 822 tấn vàng mới đây đã di chuyển khoảng 100 tấn vàng trong số hơn 410 tấn gửi ở nước ngoài để mang về nước, điều chưa từng xảy ra từ 1991, dù trước đó RBI đã liên tục mua vào. Chưa có một đánh giá cụ thể, song xét về ngắn hạn việc đưa thêm vàng dự trữ ra thị trường đã tạm thời làm giảm giá vàng và giảm áp lực mua vàng tích trữ. Điều này giúp ổn định giá vàng trong ngắn hạn và giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái do nhu cầu nhập khẩu vàng giảm. Ngoài ra khi cung vàng tăng lên do chính phủ bán ra, giá vàng trên thị trường nội địa có thể giảm, giúp người dân giảm bớt tình trạng tích trữ vàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu Chính phủ tiếp tục bán vàng để bình ổn giá mà không có chiến lược dài hạn, dự trữ vàng quốc gia có thể bị cạn kiệt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tài chính và niềm tin của quốc tế đối với nền kinh tế của quốc gia đó.
Do đó để đạt hiệu quả dài hạn, việc bán vàng cần đi kèm với các cải cách kinh tế, tăng cường minh bạch và cải thiện các chính sách tài khóa và tiền tệ để xây dựng lại niềm tin của người dân vào đồng tiền quốc gia và chính sách kinh tế.
Biện pháp bán vàng dự trữ để bình ổn giá có thể mang lại hiệu quả tạm thời trong ngắn hạn, nhưng để đảm bảo hiệu quả dài hạn, cần có các cải cách kinh tế và chính sách toàn diện nhằm tăng cường niềm tin của người dân vào đồng tiền quốc gia và các biện pháp quản lý kinh tế của chính phủ.
(Còn tiếp)
Theo Nhà đầu tư
https://nhadautu.vn/tim-phac-do-dieu-tri-con-sot-vang-mieng-bai-1-tran-keo-co-mang-ten-binh-on-gia-d86511.html