Tháo gỡ bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự án một luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC).

Nói về những bất cập trong thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC thời gian qua, bà Trần Diệu An - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi. Theo đó, một số quy định tại Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi.

Dẫn chứng về quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, bà An cho biết, hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC quy định thẩm quyền phê duyệt là của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quy định này đã hạn chế tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập. Hay như quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) hiện nay còn chưa hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết; một số quy định về tính khấu hao, hao mòn TSC chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý TSC trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản…

Từ thực tiễn này cũng như để thực hiện sửa đổi, bổ sung những vướng mắc có tính cấp bách, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC, Cục Quản lý công sản đã đề xuất sửa đổi Điều 39 về bảo dưỡng, sửa chữa TSC theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa TSC cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, theo bà Trần Diệu An, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, cập nhật hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, qua thực tế triển khai xử lý TSC là nhà, đất, TSKCHT hiện nay, hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý là hình thức được áp dụng khá phổ biến và là cơ sở để địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả TSC là nhà, đất, TSKCHT dôi dư, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, cũng theo bà An, cần thiết phải bổ sung hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý vào các hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT.

Cũng theo bà An, thực hiện Nghị định 151/2017/NĐ-TTg của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC, Bộ Tài chính nhận được các kiến nghị liên quan đến việc bán TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (đất, nhà, công trình gắn liền với đất) hiện nay đang được thực hiện đồng thời bán tài sản cùng với quyền sử dụng đất và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng TSC... Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc này, dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng TSC cũng sửa đổi quy định về hình thức xử lý TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (nhà, đất) theo hướng không thực hiện bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích

Tại hội nghị lấy ý kiến của các địa phương về sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý công sản vừa được Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 26/8 vừa qua, về cơ bản, các đại biểu dự hội nghị đều đồng ý với các quy định sửa đổi, bổ sung được Cục Quản lý công sản đưa ra tại dự thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với các vấn đề các đại biểu chưa rõ tại dự thảo, đại diện Cục Quản lý công sản cũng đã có trao đổi, giải đáp cụ thể.

Sửa luật để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng

Mục tiêu sửa luật là để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có tác động “tức thì” đến việc đạt các mục tiêu nêu trên.

Đơn cử như đại diện Sở Tài chính Sơn La đã đề xuất bổ sung quy định về hình thức chuyển giao tài sản về địa phương xử lý, trong đó có 3 khoản, gồm: Khoản 1 quy định về hình thức chuyển giao, quản lý, xử lý được áp dụng đối với TSC là trụ sở làm việc, cơ sở sự nghiệp và được thực hiện trong các trường hợp quy định cụ thể; Khoản 2 quy định để cơ quan nhà nước có tài sản chuyển giao sẽ có trách nhiệm bàn giao tài sản cho tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai; Khoản 3, Chính phủ sẽ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục để quyết định chuyển giao nhà đất về địa phương quản lý, xử lý.

Về quy định bán TSC là trụ sở làm việc và cơ sở đơn vị sự nghiệp, theo đại diện Sở Tài chính tỉnh Sơn La, vẫn còn một phần nhỏ liên quan đến quy định về thu hồi tài sản, do đó, tỉnh này đề nghị bổ sung quy định tổ chức phát triển quỹ đất để Quỹ Phát triển đất có trách nhiệm tiếp nhận những TSC là nhà, đất phải thu hồi theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC. “ Điều này để các địa phương đỡ phải tranh luận hoặc đùn đẩy nhau trong nội dung tiếp nhận tài sản khi thu hồi” - đại diện Sở Tài chính tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Đồng ý với các sửa đổi, bổ sung do Cục Quản lý công sản nêu ra, nhưng đại diện Sở Tài chính tỉnh Hà Giang cũng đề nghị khi sửa đổi luật Quản lý, sử dụng TSC cần lưu ý tính đồng bộ đối với các luật khác và các nghị định có liên quan. Theo vị đại diện này, làm như thế thì mới triển khai Luật được một cách hiệu quả. Việc ban hành các nghị định, thông tư cần phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, tránh tình trạng chậm trễ.

Đề xuất 9 giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính mong muốn đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương, cơ sở nhằm tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị địa phương trong quản lý TSC. Tuy nhiên, việc phân cấp phân quyền cần phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với năng lực của các cơ quan, đơn vị được phân quyền trong quản lý tài sản công. Đồng thời, cần có các cơ chế kiểm tra, kiểm soát để để đảm bảo việc phân cấp, phân quyền được thực hiện đúng và hiệu quả.

Để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC, ban soạn thảo đã đề xuất 9 giải pháp.

Trong đó, 7 giải pháp để giải quyết các nội dung vướng mắc gồm: Sửa đổi quy định về bảo dưỡng, sửa chữa TSC; Sửa đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào việc kinh doanh; cho thuê; liên doanh, liên kết; bổ sung chế độ quản lý, sử dụng TSC tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc về cơ chế “phân cấp” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC, xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản; sửa đổi quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; sửa đổi quy định về hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT.

2 giải pháp phát sinh từ thực tiễn đó là: Sửa đổi quy định về khai thác TSKCHT; sửa đổi quy định về việc tính khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập, TSKCHT. 

Theo Hạnh Thảo (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-tap-trung-vao-nhung-van-de-bat-cap-co-tac-dong-tuc-thi-158166-158166.html