Sửa luật chưa có tiền lệ trong lĩnh vực tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong phiên họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất xây dựng một luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tài chính nhằm xử lý các vướng mắc mang tính cấp bách, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, gồm: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế.

Luật ban hành theo trình tự rút gọn

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về việc xây dựng dự án một luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Luật sẽ được trình theo trình tự, thủ tục rút gọn, với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế- xã hội được Chính phủ xác định, đột phá về hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ từng trình Quốc hội thông qua một luật sửa 9 luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư công.

Đến nay, việc đặt vấn đề một luật sửa 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính là chưa có trong tiền lệ. Chính phủ, Bộ Tài chính bắt tay vào sửa các luật có liên quan đến lĩnh vực tài chính, nhằm đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ.

Thủ tướng khẳng định quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc tại các văn bản, yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho việc này.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng cơ bản thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng một luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật. Trên cơ sở đó tiếp tục rà soát để xử lý các vướng mắc mang tính cấp bách, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc sửa đổi các luật sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực

Theo định hướng của Chính phủ, việc sửa các luật này nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, không tạo môi trường cho tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu; các bộ, ngành trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, không làm công việc cụ thể.

Trong khi chưa sửa đổi được một số luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, việc đề xuất sửa 7 luật lần này nhằm quản lý ngân sách nhà nước theo hướng tăng cơ sở thu, chống lãng phí chi, linh hoạt sử dụng các nguồn vốn trung ương và địa phương, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm.

Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý tài sản công để vừa quản lý được, vừa phát huy được nguồn lực; dự trữ quốc gia phải linh hoạt để xử lý kịp thời trong các tình huống cấp bách; quy định về kế toán phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thuế…

Bộ Tài chính sẽ khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp của Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng tác động, các chuyên gia, nhà khoa học… Trên cơ sở đó, trình Chính phủ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại cuộc họp giao ban công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ tháng 8/2024 của Bộ Tài chính, người đứng đầu ngành Tài chính đã yêu cầu các đơn vị vào cuộc, tập trung hoàn thiện dự án Luật. Theo yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung các luật trong phạm vi của Bộ Tài chính phải đảm bảo bao trùm hết các mảng lĩnh vực đang phát sinh vướng mắc, cần phải thay đổi.

Trên thực tế, không phải đợi đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới đặt ra đề xuất sửa đổi quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Bộ Tài chính liên tục rà soát và đã lên kế hoạch hành động trong thực hiện cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính đặt mục tiêu đảm bảo đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Bộ Tài chính phấn đấu 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Đây là những nỗ lực được Bộ Tài chính thực hiện qua từng tháng, từng năm, bền bỉ mới mục tiêu vì doanh nghiệp, người dân phục vụ./.

Sửa luật phải bao trùm hết các mảng lĩnh vực phát sinh vướng mắc

Trong văn bản chỉ đạo vừa qua, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện việc soạn thảo song song 2 bước (lập đề nghị xây dựng luật và soạn thảo luật).

Bộ trưởng yêu cầu Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành luật; mục đích, quan điểm xây dựng luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Theo kế hoạch hành động thực hiện cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đặt mục tiêu 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại…

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ cải cách hành chính nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Trong một cuộc hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, ngành Thuế và ngành Hải quan đã đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cơ quan thuế, hải quan đã lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan mình./. 

Theo Minh Anh (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-chua-co-tien-le-trong-linh-vuc-tai-chinh-157624-157624.html