Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nhập khẩu thép tăng mạnh, sản xuất trong nước nguy cơ mất thị trường

Thứ ba, 18-06-2024 | 10:44:00 AM GMT+7 Bản in
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam đã đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, riêng nhập khẩu thép từ Trung Quốc là 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa lên tiếng cảnh báo việc nhập khẩu thép có sự gia tăng mạnh khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Theo VSA, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên mà ông Đa nói đến đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Thép Trung Quốc cũng đang tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Đại Hàn Dân Quốc (Mã số vụ việc: AD19).
Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá được xác định là từ ngày 1/4/2023 đến 31/3/2024. Thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2018 đến ngày 31/3/2024.
Các sản phẩm thuộc diện điều tra được phân loại theo các mã HS 7210.41.11, 7210.41.12, 7210.41.19, 7210.49.11,7210.49.14, 7210.49.15, 7210.49.16, 7210.49.17, 7210.49.18, 7210.49.19,7210.50.00, 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.69.11, 7210.69.12, 7210.69.19, 7210.90.10, 7210.90.90, 7212.30.11, 7212.30.12, 7212.30.13, 7212.30.14, 7212.30.19, 7212.30.90, 7212.50.13, 7212.50.14, 7212.50.19, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29, 7212.50.93, 7212.50.94, 7212.50.99, 7212.60.11, 7212.60.12, 7212.60.19, 7212.60.91, 7212.60.99, 7225.92.90, 7226.99.11, 7226.99.91 (mã vụ việc: AD19).
Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm 05 công ty là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; Công ty cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty cổ phần Tôn Đông Á và Công ty cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Thực tế "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại đang có nhiều bất ổn cùng với giá cước vận tại quốc tế tăng… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép", ông Nghiêm Xuân Đa nói.

Đáng chú ý là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại nhằm ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.

Theo Bộ Công thương, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành khoảng 2.500 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm kim loại cơ bản (bao gồm thép), chiếm tới hơn 30% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Cũng tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8/2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.

Cũng trong ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại đã ra thông báo tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tư đại diện của ngành sản xuất trong nước là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.
Cơ quan điều tra có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung Hồ sơ và cơ sở tiến hành điều tra theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương. Căn cứ vào kết quả thẩm định và kiến nghị của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc.

Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, tổng lượng nhập khẩu HRC trong tháng 05/2024 đã tăng 20% so với tháng 04/2024. Lũy kế nhập khẩu HRC 5 tháng đầu năm 2024  là hơn 5 triệu tấn. 

Giá HRC tháng 05/2024 từ Trung Quốc tiếp tục thấp hơn các quốc gia khác từ 48-186 USD/tấn. Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 05/2024 chiếm 75%, Nhật Bản chiếm 13%. 

Trước những khó khăn hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

Nhập khẩu thép cuộn cán nóng vào Việt Nam nhiều hơn lượng sản xuất trong nước. Ảnh: chuẩn bị xuất khẩu thép cuộn cán nóng tại Công ty Hòa Phát Dung Quất 

Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

TỔNG HỢP NHẬP KHẨU THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 THÉP CUỘN CÁN NÓNG

 

Tháng 5/2024

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024

Nước Xuất khẩu

Lượng (Tấn)

Giá trị (USD)

Đơn giá TB (USD/Tấn)

Tỷ lệ NK (%)

Lượng (Tấn)

Giá trị (USD)

Đơn giá TB (USD/Tấn)

Trung Quốc

830.401

467.740.132

563

75

3.694.082

2.121.798.264

 574

Nhật Bản

143.093

 80.479.472

562

13

441.410

 252.894.177

 573

Ấn Độ

 25.148

 16.874.811

 671

2

 172.335

 105.616.524

 613

Đài Loan

 40.769

 24.906.275

 611

4

 315.353

 199.798.906

 634

Hàn Quốc

 53.549

 40.114.747

 749

5

 255.202

181.557.245

 711

Các nước khác

           17.120

     11.430.306

668

2

 132.918

 90.818.484

 683

Tổng

1.110.079

641.545.743

578

100

 5.040.402

 2.960.231.072

 587

Theo Thanh Hương (Báo Đầu tư)

https://baodautu.vn/nhap-khau-thep-tang-manh-san-xuat-trong-nuoc-nguy-co-mat-thi-truong-d217814.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)