Miễn thuế - “cú huých” khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Đề xuất miễn thuế trong 2 năm liên tục

Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh (HKD) dù có đủ điều kiện vẫn chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) do e ngại những vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, do HKD chưa tìm hiểu rõ các quy định trong Luật Doanh nghiệp, cũng như những quy định thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh; không có kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ tục giấy tờ về nộp thuế và quyết toán thuế, phải thay đổi chế độ kế toán (từ thuế khoán sang tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn), cũng như cách thức quản lý sổ sách kế toán (hóa đơn, chứng từ, giấy tờ khai thuế…).

Miễn thuế -

Doanh nghiệp lợi thế hơn hộ kinh doanh

“Hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đều là thành phần của kinh tế tư nhân, nhưng có nhiều điểm khác nhau. Doanh nghiệp tư nhân được thành lập với vốn đầu tư do chủ doanh nghiệp đăng ký, không bị giới hạn về quy mô, vốn và địa điểm kinh doanh. Ngược lại, hộ kinh doanh lại có những giới hạn cụ thể - họ chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, bị hạn chế về số lượng nhân công, khó tiếp cận vốn ngân hàng…”. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với DN chuyển đổi từ HKD lên DN. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 15 về các trường hợp miễn, giảm thuế khác, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất quy định theo hướng: DN quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 10 của Luật này thành lập mới từ HKD được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Sau thời gian miễn thuế quy định tại khoản này, trường hợp DN thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Luật này. Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), DN thực hiện mức thuế suất thuế TNDN theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, để phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó có nội dung: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HKD mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình DN thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế TNDN, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập DN, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh...”.

Bên cạnh đó, tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có quy định về nguyên tắc xem xét áp dụng chính sách ưu đãi về thuế TNDN, đó là DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ HKD được miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Hàng triệu hộ kinh doanh có thể chuyển thành doanh nghiệp

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu HKD, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu HKD nhỏ lẻ. Đây là nguồn lực rất quan trọng để hình thành 1,5 triệu DN vào năm 2025. Do đó, để khuyến khích các đối tượng này chuyển đổi sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, cùng với việc thực hiện các giải pháp về đơn giản hóa chế độ kế toán, phương pháp tính thuế..., cần bổ sung chính sách ưu đãi về thuế TNDN đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ HKD.

Theo đánh giá chung của Bộ Tài chính, các HKD không muốn chuyển sang thành lập DN vì đang được thực hiện theo cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn, không phải thực hiện chế độ kế toán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động...

Vì vậy, để góp phần khuyến khích HKD chuyển đổi lên DN; tạo điều kiện cho các DN mới thành lập từ HKD tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tính công khai, minh bạch và lành mạnh nền kinh tế, Bộ Tài chính đề xuất có thể xem xét miễn thuế trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ HKD. Mức này tương đương với mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bộ Tài chính đề xuất, cần quy định rõ về điều kiện hưởng ưu đãi, về chuyển tiếp sau thời gian miễn thuế này để đảm bảo minh bạch, thống nhất, đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo chính sách ưu đãi đúng đối tượng, tránh lợi dụng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, đi đôi với các lợi thế của HKD so với DN thì HKD cũng có những bất lợi, nhược điểm nhất định do chính mô hình kinh doanh đơn giản, không có tư cách pháp nhân. Bởi HKD không có tư cách pháp nhân, nên quyền kinh doanh bị hạn chế trong các giao dịch cần đơn vị có tư cách pháp nhân; đồng thời không được hoạt động ở một số lĩnh vực yêu cầu về điều kiện kinh doanh như ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm...

Cùng với đó, HKD cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động kinh doanh, nên chủ sở hữu có thể xảy ra tình trạng mất hết tài sản cá nhân, thậm chí cả trách nhiệm hình sự./. 

Theo Văn Tuấn (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mien-thue-cu-huych-khuyen-khich-ho-kinh-doanh-chuyen-thanh-doanh-nghiep-157773-157773.html