Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Không để nợ thuế kéo dài, hạn chế phát sinh mới

Thứ bẩy, 10-08-2024 | 17:00:00 PM GMT+7 Bản in
Tính đến ngày 31/7/2024, thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Hòa Bình thực hiện đạt khoảng 3.435 tỷ đồng, đạt 90,8% dự toán pháp lệnh, đạt 62,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Theo Cục Thuế Hòa Bình, 6 tháng đầu năm số tiền thuế nợ đang cao hơn mức thu, chiếm trên 67% so với kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của toàn tỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN phát
 

Năm 2024, dự toán thu ngân sách Nhà nước được Chính phủ giao cho ngành thế tỉnh Hòa Bình là 3.781,4 tỷ đồng; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình giao là 5.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7/2024, thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Hòa Bình thực hiện đạt khoảng 3.435 tỷ đồng, đạt 90,8% dự toán pháp lệnh, đạt 62,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Ngành thuế tỉnh Hòa Bình tiếp tục nỗ lực triển khai các biện pháp đôn đốc và thu hồi nợ thuế, quyết tâm thực hiện hiệu quả quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước cả năm 2024.

Thách thức tồn tại trong quản lý thuế

Theo báo cáo của ngành thuế tỉnh Hòa Bình, hai doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất và kéo dài qua nhiều năm là Công ty cổ phần đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình nợ khoảng 1.130 tỷ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn nợ 930 tỷ đồng, lần lượt chiếm 29,2% và 24% trong tổng số nợ thuế toàn tỉnh.

Mặc dù hai doanh nghiệp này đã có văn bản cam kết thực hiện nộp tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Cơ quan Thuế Hòa Bình đã tiến hành gửi thông báo nợ, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định như phong tỏa tài khoản, trích tiền từ tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, xác minh thông tin về tài sản của người nộp thuế, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và thống nhất cam kết thời gian nộp thuế nợ.

Cục thuế Hòa Bình cho biết, nguyên nhân nợ thuế liên quan đến đất nhiều và kéo dài trên địa bàn chủ yếu là do tình hình kinh tế suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản thiếu hụt nguồn thanh toán nên chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Ngành thuế tỉnh Hòa Bình cũng đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) áp dụng biện pháp như tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế; đồng thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình xem xét thu hồi một phần diện tích đất tương ứng với số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Cục Thuế Hòa Bình, 6 tháng đầu năm số tiền thuế nợ đang cao hơn mức thu, chiếm trên 67% so với kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đây là thách thức lớn đặt ra đối với quản lý thuế, những áp lực trong quá trình thực hiện thu hồi nợ thuế đòi hỏi ngành thuế phải quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi nợ, góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách Nhà nước tỉnh Hòa Bình cùng với ngành thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, nỗ lực thực hiện việc đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác làm việc với doanh nghiệp nợ tiền thuế lớn, nhằm xác định thời gian nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nội dung phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình nghiên cứu xử lý nợ thuế đối với các doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước. Sở Xây dựng Hòa Bình tổng hợp, rà soát các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh yêu cầu đảm bảo tiến độ và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình đã tăng cường phối hợp thực hiện đôn đốc, xử lý nợ, cưỡng chế nợ thuế với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ, phấn đấu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 8% so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Cục Thuế tỉnh Hòa Bình đã ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ tới người nộp thuế để đôn đốc nộp tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Đồng thời, ban hành 1.015 quyết định cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế, ban hành 52 văn bản gửi các sở, ban, ngành liên quan đề nghị phối hợp thực hiện đôn đốc và xử lý nợ thuế.

Đối với các trường hợp nợ thuế kéo dài, ngành thuế đã thực hiện cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn từ 2 năm trở lên, một số trường hợp căn cứ quy định của pháp luật đã báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình xem xét thực hiện việc thu hồi đất, thu hồi dự án nếu đến thời hạn cam kết vẫn không chấp hành nộp tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đôn đốc tiến độ thu, nộp ngân sách Nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2024, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet. Đặc biệt là quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đấu giá đất, dự án thu tiền sử dụng đất, tiến độ sắp xếp lại cơ sở nhà đất của cơ quan Nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu hoàn thành các dự án giao đất, đấu giá thu tiền sử dụng đất theo đúng tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, quản lý nợ và xử lý nợ thuế cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng chuyên trách trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Ngành thuế Hòa Bình cũng tập trung vào các giải pháp như tăng cường quản lý nguồn thu, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, giảm nợ thuế. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện hóa đơn điện tử, thực hiện quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, duy trì hoạt động hiệu quả Hệ thống 479 Kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax), tập trung phân tích rủi ro, quản lý chặt chẽ loại hình hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; chuyển nhượng bất động sản, khai thác khoáng sản, xây dựng... đôn đốc các doanh nghiệp nộp đầy đủ số thuế truy thu, phạt vào ngân sách nhà nước. 

Theo 

https://bnews.vn/khong-de-no-thue-keo-dai-han-che-phat-sinh-moi/343184.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)