Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Thứ tư, 22-03-2023 | 09:45:00 AM GMT+7 Bản in
Ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về “Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam”. Hội nghị nhằm lấy ý kiến để trên cơ sở đó, Bộ xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam và tham mưu, đề xuất, chính sách áp dụng tại Việt Nam.

Tìm giải pháp hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp

"Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" (nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận - BEPS), một thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ được thực thi từ năm 2024. Theo đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu thống nhất là 15% sẽ được áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.

Là một trong những nước “nhập khẩu” vốn, điều này đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, đòi hỏi sớm có những chiến lược cụ thể hơn.

Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý đề xuất các giải pháp chính sách nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: Hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; phù hợp với các cam kết của quốc tế và quy định của OECD; phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để ứng phó với vấn đề này cần phải giải quyết các nhóm chính sách. Thứ nhất là Việt Nam sẽ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam để thích ứng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng vẫn tiếp tục tạo một môi trường thu hút đầu tư mang tính cạnh tranh trong khu vực. Thứ hai là các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng thuộc diện phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần phải có giải pháp ra sao khi áp dụng quy định này.

Việt Nam có nên thu thuế bổ sung hay để nước có nhà đầu tư thu khoản thuế này? Trường hợp Việt Nam thu thuế bổ sung, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ gì để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế, tránh khiếu kiện các cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư ?...

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thuế tối thiểu toàn cầu ở góc độ rộng hơn, không chỉ tác động đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn tác động đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài.

Trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ để thu hút đầu tư. “Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực” - ông Đỗ Văn Sử cho biết.

Tuy mức thuế suất phổ thông là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, song nhiều nhà đầu tư đang được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt với các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian nhất định.

Điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Nguồn: OECD. Đồ họa: Hồng Vân

Đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Khi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không còn là lợi thế, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Yasuhisa Taninaka - Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, khi một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế mà họ phải chi trả, chứ không phải chỉ riêng thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông đề xuất một số giải pháp về thuế để bù trừ cho thuế tối thiểu toàn cầu mà doanh nghiệp phải nộp thêm.

Ông Kim Jin Seong - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời, dựa trên thuế này, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư mới cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Điều này vừa đảm bảo lợi ích thu thêm thuế của Việt Nam, vừa có chính sách ưu đãi đầu tư mới tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.

Đánh giá các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang tốt, bà Đào Thị Thu Huyền - Phó Tổng giám đốc Canon Việt Nam đề nghị nên duy trì ưu đãi như hiện tại, nhưng có thể bổ sung hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu tác động chính sách thuế tối thiểu. Lấy ví dụ về Thái Lan, bà cho biết chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, như hỗ trợ tiền điện.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng nêu các kiến nghị như chú trọng tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (không chịu tác động của chính sách thuế mới); đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính và đa dạng hóa chính sách ưu đãi thay vì tập trung vào chính sách thuế; tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về quy trình, thủ tục để tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư.

Theo Hoàng Yến (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-chinh-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-khi-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-123880.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)