Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Bãi bỏ điều kiện kinh doanh: Phong bì nhẹ chờ 3 tháng, "đủ nặng" chiều lấy hồ sơ

Thứ năm, 15-11-2018 | 10:38:00 AM GMT+7 Bản in
(Dân Việt) “Có một số doanh nghiệp xác nhận với tôi là số ĐKKD có giảm và thời gian thủ tục được thực hiện qua mạng giảm đi, dễ dàng hơn. Nhưng vẫn phải khâu phải tiếp xúc trực tiếp giữa người với người mới xong. Lúc đó, phong bì nhẹ thì chờ 3 tháng nữa, phong bì đủ nặng thì bảo chiều đến lấy hồ sơ”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Ngày 14.11, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”. Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều nỗi khổ trong việc cải cách, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Theo thông tin ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cung cấp, đến nay có 542 ĐKKD được sửa đổi, bãi bỏ 771, thay thế 111. Tuy nhiên, có 29 ĐKKD phát sinh mới. Tính tổng số các ĐKKD hiện hành, việc cắt bỏ là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.

bai bo dieu kien kinh doanh: phong bi nhe cho 3 thang, "du nang" chieu lay ho so hinh anh 1

TS. Lê Đăng Doanh. (Ảnh: I.T)

Chia sẻ về kết quả cắt giảm ĐKKD, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, môi trường kinh doanh đang có vấn đề khi nhìn vào số doanh nghiệp đăng ký tăng 27,8%, số doanh nghiệp đóng cửa tăng 47%.

 “Chúng ta hội nhập sâu, thị trường trong nước là thị trường của cộng đồng ASEAN, sắp tới là CPTPP, nhưng nhiều ĐKKD quy định đang hoàn toàn lạc hậu so với cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Doanh bình luận.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, doanh nghiệp đang bị áp đặt phải hành động theo tư duy quản lý cũ. Mặc dù việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được nhiều năm, và nhiều ĐKKD buộc phải cắt giảm. Nhưng rồi chỉ được sửa đổi, thủ tục hành chính đơn giản thế nào cũng cố giữ lại khâu gặp trực tiếp giữa doanh nghiệp với công chức Nhà nước, dễ làm nảy sinh rất nhiều hành vi tiêu cực.

“Có một số doanh nghiệp xác nhận với tôi là số ĐKKD có giảm và thời gian thủ tục được thực hiện qua mạng giảm đi, dễ dàng hơn. Nhưng vẫn phải khâu phải tiếp xúc trực tiếp giữa người với người mới xong. Lúc đó, phong bì nhẹ thì chờ 3 tháng nữa, phong bì đủ nặng thì bảo chiều đến lấy hồ sơ. Trước đây phong bì khoảng 200.000 - 500.000 đồng còn được chấp nhận, giờ chẳng còn ý nghĩa gì hết”, TS. Lê Đăng Doanh bức xúc.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, cần có một "bộ lọc" các văn bản pháp luật có hiệu quả hơn. Bắt đầu từ Luật, tới Nghị định, Thông tư. Việc này nhằm tránh tình trạng lồng ghép thêm điều kiện kinh doanh trong các văn bản mới ban hành. Đồng thời, giúp các bộ ngành nâng cao trách nhiệm giải trình của mình đối với văn bản do cơ quan đó đề xuất.

“Cuộc chiến này không biết anh Cung (TS. Nguyễn Đình Cung - PV) nghĩ thế nào, chứ tôi thấy thua là chắc chắn. Một lực sỹ phải chống lại vài ngàn lực sỹ thì không xuể. Phải đổi mới cách tiếp cận của cơ quan nhà nước, hình thành tư duy tôn trọng thị trường hơn, tận dụng cơ hội của nền kinh tế. Chứ không thể có cách làm cũ như trước đây”, ông Doanh ví von và đưa ra lời khuyên.

bai bo dieu kien kinh doanh: phong bi nhe cho 3 thang, "du nang" chieu lay ho so hinh anh 2

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: I.T)

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD nhiều lúc chỉ là thay đổi cách diễn đạt, bỏ từ không ý nghĩa cũng được thống kê đơn giản hóa. Ngoài ra, có những trường hợp quy định đã được bãi bỏ nhưng tư duy của các cấp thực hiện lại không thay đổi.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng, khi bãi bỏ quy hoạch xăng dầu, nhiều Sở Công Thương các tỉnh không tin. “Họ không hiểu vì sao quy hoạch xăng dầu bị bãi bỏ. Họ vốn rất có quyền trong việc chấp thuận cây xăng ở chỗ này, chỗ kia, giờ không có nên họ cảm thấy trống vắng. Có nơi đã phàn nàn tới lãnh đạo tỉnh là chúng tôi làm dự cuộc họp thẩm định dự án xăng dầu mà không được có ý kiến về quy hoạch. Điều này rõ ràng đã hằn sâu thành nếp nghĩ trong cách quản lý của họ, nên việc bãi bỏ rất khó”.

Một điển hình của việc thay đổi phương thức quản lý nhưng còn e dè như Nghị định 107 thay thế nghị định 109 về xuất khẩu gạo. Mặc dù một số quy định đã được "cởi trói", nhưng nhiều nơi vẫn cảm thấy sự thay đổi này còn rụt rè, chưa thay đổi mạnh mẽ phương hướng quản lý.

Cuối cùng, ông Tuấn kết thúc bằng một câu chuyện xảy ra với chính thành viên trong gia đình mình: “Vợ tôi học và dạy yoga kể rằng, có những tổ chức yoga quốc tế rất uy tín phải trải qua quá trình dạy hàng nghìn giờ và phải được xét duyệt cấp chứng chỉ yoga, rất khó khăn. Nhưng muốn dạy yoga ở Việt Nam vẫn phải được cơ quan quản lý cấp một chứng nhận yoga mà thực tế là không học hành gì nhiều, tới học chỉ ngồi chơi, đọc văn bản rồi chờ đưa thầy đi nhậu, nộp tiền lấy chứng chỉ. Một hình thức không có ý nghĩa về mặt thực tế.”

Theo Dân Việt

 

 

Ý kiến bạn đọc (2)