Tại báo cáo về chính sách lương hưu mới công bố, Bộ LĐTBXH đã đưa ra đánh giá có sự “Tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng BHXH một lần trong nhóm đối tượng này”.
Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam tính đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng; mức lương hưu cao nhất: 101,3 triệu đồng/tháng; có hơn 4.100 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng; có hơn 3.989 người hưởng mức từ 13 triệu đồng/tháng trở lên. Do quá chú trọng đến nguyên tắc đóng - hưởng dẫn đến tình trạng có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp (1,3 triệu đồng) và cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao (hơn 100 triệu đồng) gây những bức xúc trong xã hội.
Việc chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa các nhóm lao động, có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp (1,3 triệu đồng) và cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, từ đó làm giảm niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH, duy trì sự tham gia và ở lại trong hệ thống BHXH, nhiều người đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 600 ngàn người hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH.
Ngoài ra, theo Bộ LĐTBXH: Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, sẽ tiến tới việc bãi bỏ mức lương cơ sở, trong khi đó Luật bảo hiểm xã hội có đến 11 nội dung gắn với mức lương cơ sở. Do vậy, nếu không sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội thì sẽ không còn căn cứ pháp lý để thực hiện những nội dung nêu trên của Luật bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTB&XH đưa ra phương án: Hoàn thiện các chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành.
Theo đó, đối với người lao động, việc sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia BHXH. Như vậy, có sự chia sẻ nhất định giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp.
Từ đó, thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí, có tác động khuyến khích nhóm người lao động có mức lương hưu thấp, khuyến khích người tham gia BHXH có mức tiền lương thấp bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Đồng thời, tạo thuận lợi người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội ở các địa phương trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động và thân nhân của người lao động.