Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Đối với nguyên liệu mà doanh nghiệp nhập về để sản xuất xuất khẩu (E31) và gia công (E21) sau quá trình sản xuất bị dư thừa/hư hỏng/lỗi mốt, doanh nghiệp gặp vướng mắc trong vấn đề xử lý nếu chuyển tiêu thụ nội địa như sau:
Hiện nay hải quan các địa phương đang áp giá tính thuế của phần dư thừa/hư hỏng/lỗi mốt này theo giá nhập của invoice (ban đầu) hoặc đề nghị cho đi tham vấn giá (nếu có nghi ngờ). Theo doanh nghiệp, cách tính toán như trên gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì thực sự trị giá của số nguyên liệu này là rất nhỏ, tính khả dụng của số nguyên liệu hầu như chỉ còn 5-10%.
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thực hiện việc tiêu hủy theo Điều 27 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế.
Còn đối với việc xử lý phế liệu, phế phẩm của cả hai loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP đề xuất như sau: Doanh nghiệp xin được áp dụng chính sách thuế cho số nguyên liệu dư thừa/hư hỏng của các tờ khai nhập khẩu loại hình E31 như nguyên liệu vật tư nhập khẩu loại hình gia công E21 khi thực hiện việc tiêu hủy.
Ngoài ra, đối với phần nguyên phụ liệu dư thừa chuyển sang tiêu thụ nội địa (kể cả loại hình E31 hay E21), doanh nghiệp sẽ chỉ kê khai nộp thuế theo giá mà doanh nghiệp bán được thực tế tại thị trường nội địa theo hóa đơn giá trị gia tăng do cơ quan thuế phát hành sau khi thanh lý hoặc khi quyết toán tình hình sử dụng nguyên phụ liệu với cơ quan Hải quan.
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chính sách hợp lý, thông thoáng , tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với doanh nghiệp chủ yếu sản xuất xuất khẩu hàng may mặc.
Vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Hàng hóa tiêu hủy không được miễn thuế nhập khẩu
Căn cứ Khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị tiêu hủy không thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu.
Thuế với phế liệu, phế phẩm dư thừa
Căn cứ Khoản 6, Điều 3; Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Căn cứ Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì trường hợp hàng hoá nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu chuyển đổi loại hình kinh doanh (chuyển tiêu thụ nội địa) thì trị giá hải quan được xác định tại thời điểm đăng ký tờ khai mới như sau:
- Đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC, được khai báo tại tờ khai ban đầu. Việc kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
- Đối với trường hợp phế liệu, phế phẩm dư thừa trong quá trình sản xuất, trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan căn cứ nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá, cơ sở dữ liệu, chứng từ liên quan đối với trường hợp này.