Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, các trường hợp giải quyết thôi việc, thủ tục giải quyết thôi việc như sau:
Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp:
- Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức, gồm:
Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc (HĐLV) không xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo HĐLV; bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ, Khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức, gồm:
Viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn.
Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục giải quyết thôi việc
Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt HĐLV; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức, đồng thời giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức.
Cách tính trợ cấp thôi việc được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
Trường hợp viên chức được chuyển vào công chức
Trường hợp ông Nguyễn Đình Thảo phản ánh, ông được tuyển dụng viên chức và làm việc trong đơn vị sự nghiệp từ năm 1982, đến nay ông được chuyển công tác sang Hội Nông dân huyện là tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện.
Theo Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, thì người làm việc trong cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện được xác định là công chức (không bao gồm người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng theo quy định của Luật BHXH).
Theo quy định tại Khoản1, Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì, viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.
Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.
Như vậy, trường hợp ông Thảo được chuyển công tác từ Trung tâm khuyến nông huyện (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện) sang Hội Nông dân huyện (tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện) là trường hợp chuyển đổi từ vị trí làm việc của viên chức sang vị trí làm việc của công chức, không phải là trường hợp thôi việc theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, do đó không được tính hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ