Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa nhận được công văn số 6969 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đăng ký cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính. Theo đó, số lượng phân bổ cho Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa là 3 người; điều kiện là: “Công chức có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch chuyên viên, dự kiến cử đi thi nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc đang ở ngạch chuyên viên chính nhưng chưa qua khóa học này”.
Tại Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, có cán bộ mới có chứng chỉ ngạch chuyên viên đầu năm 2021, vào làm việc được hơn 3 năm; như vậy đã đủ thời gian cống hiến và thời gian để được xét thi chuyên viên chính hay chưa?
Mọi năm cán bộ, công chức tại Chi nhánh phải tự bỏ chi phí học các lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị do Ban Giám đốc không tạo điều kiện để đăng ký học hằng năm. Tuy nhiên năm nay lại có công văn hỏa tốc mở lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính.
Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đề nghị giải đáp, vậy thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thường xuyên mở các lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị nữa hay không?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Thời gian vừa qua, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước từng bước đẩy nhanh việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cho cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chủ động cử cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện công việc và chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch; trong đó có các khóa học về quản lý hành chính nhà nước.
Năm 2021, theo Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước đã được Thống đốc phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức 1 khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, học tập trung tại Hà Nội, thời gian khoảng 2 tháng (mỗi tuần học 3 ngày) dành cho công chức, viên chức thuộc các Vụ, Cục, đơn vị Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức lớp học tập trung không thực hiện được, Học viện Hành chính Quốc gia đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi hình thức tổ chức lớp học từ tập trung sang trực tuyến, thời gian khoảng 1 tháng, học liên tục các ngày trong tuần.
Qua theo dõi tình hình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trong ngành và căn cứ tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (chương trình chuyên viên chính) của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố tương đối lớn. Trong khi đó, số lượng công chức được cử tham dự khóa học không nhiều, do phải phụ thuộc vào việc tổ chức lớp của địa phương và các Phân viện của Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM, TP. Huế, khu vực Tây Nguyên). Bên cạnh đó, thời gian học dài, chi phí đi lại, ăn, ở tốn kém, nhiều công chức bận công việc chuyên môn không thể đi học được, đặc biệt là đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước thấy rằng đây là một cơ hội rất tốt để đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa tiêu chuẩn kiến thức quản lý nhà nước – chương trình chuyên viên chính cho công chức, viên chức trong ngành.
Do dịch bệnh, nhiều địa phương phải làm việc giãn cách, phân ca làm việc tại nhà và cơ quan; nhiều cuộc thanh tra ngân hàng phải tạm hoãn, nên việc tổ chức đào tạo trực tuyến là cơ hội cho công chức chi nhánh tham dự lớp học (học viên có thể học tại nhà, học tại nơi làm việc; công chức làm công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tranh thủ thời gian này không phải đi thanh tra để tham dự lớp học).
Vì vậy, Vụ Tổ chức cán bộ – đơn vị đầu mối quản lý công tác đào tạo của Ngân hàng Nhà nước đã thông báo cho các chi nhánh có nhu cầu đăng ký tham dự theo chỉ tiêu phân bổ và đề xuất thêm nếu có nhu cầu nhiều hơn chỉ tiêu thông báo gửi Vụ Tổ chức cán bộ xem xét, giải quyết.
Ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, thì Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Yên và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cũng được xem xét, tăng chỉ tiêu so với thông báo. Danh sách cử đi học của các đơn vị đều đủ điều kiện theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Thẩm quyền cử công chức tham dự lớp bồi dưỡng ngạch
Về thẩm quyền cử công chức tham dự khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, căn cứ Chương III Mục 2 Điều 23 Khoản 3 - Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định số 2613/QĐ-NHNN ngày 28/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước): "Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị tham gia các khóa bồi dưỡng ở trong nước" thì việc đề cử cán bộ tham dự khóa học thuộc thẩm quyền của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố.
Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao kiến thức và chuẩn hóa các tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch đều được Ngân hàng Nhà nước đưa vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức liên tục hàng năm.
Hiện nay, hình thức đào tạo trực tuyến được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng và thực hiện, do đó thời gian tới cơ hội tham dự học tập của công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước ngày càng nhiều và dễ dàng hơn.
Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra khi cử công chức, viên chức đi học các lớp bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước là để nâng cao trình độ, nhận thức, kiến thức về quản lý hành chính nhà nước; đồng thời để chuẩn hóa trình độ, năng lực của công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước và tạo thuận lợi cho công chức, viên chức có đủ điều kiện nếu được cử đi dự thi nâng ngạch.
Tuy nhiên, việc cử công chức, viên chức đi học của thủ trưởng đơn vị phải rõ ràng, minh bạch, theo trật tự ưu tiên, thống nhất trong đơn vị và không ảnh hưởng đến công việc. Việc cử công chức, viên chức đi học và việc cử đi thi nâng ngạch là hai việc làm khác nhau, với quy trình xét duyệt khác nhau.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/viec-cu-ccvc-di-hoc-va-di-thi-nang-ngach-la-2-viec-khac-nhau-102220128174357692.htm