Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

"Vật vã" tìm đường tiêu thụ vật liệu xây dựng

Thứ sáu, 18-12-2015 | 14:27:00 PM GMT+7 Bản in
Nhìn chung, tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) từ đầu năm đến nay đạt mức tăng trưởng khá, sát với dự báo nhờ đà hồi phục của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng như việc tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, một số chủng loại VLXD vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ kém và bị cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tương tự của nước ngoài.

Đóng bao sản phẩm vữa trộn sẵn tại Công ty CP Sông Đà - Cao Cường.
 
Nhiều sức ép

Vụ trưởng VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, xuất khẩu sản phẩm xi-măng 11 tháng năm nay đạt khoảng 14,75 triệu tấn, bằng 77% kế hoạch năm, bằng 81% so cùng kỳ và dự kiến cả năm giảm khoảng 19% so năm 2014. Năm 2014 là năm đạt “thành công rực rỡ” về xuất khẩu của ngành xi-măng, kim ngạch đạt gần 900 triệu USD. Năm nay, xuất khẩu giảm chủ yếu do các yếu tố khách quan khi một số quốc gia truyền thống như Thái-lan, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc thay đổi về chiến lược sản xuất, tiêu thụ. Chẳng hạn như Trung Quốc, sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi-măng, do vậy “chiêu bài” xuất khẩu giá rẻ của họ đã đẩy sức cạnh tranh trên thị trường xi-măng lên cao, trong khi đó giá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thường cao hơn vài USD/tấn so với Trung Quốc nên chắc chắn gặp khó khăn hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp nước ta, kể cả “ông lớn” Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) vẫn chưa có nhiều hợp đồng dài hạn. Giá nguyên liệu đầu vào tuy được duy trì ổn định gần đây, nhưng khó dự đoán được các biến động thời gian tới, do đó gây khó cho định hướng xuất khẩu xi-măng.

Ngành thép trong nước cũng đang điêu đứng vì sản phẩm thép giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt “tiến công”, lấn át doanh nghiệp thép trong nước. Tôn thép mạ và phủ mầu là phân khúc quan trọng của ngành thép Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm. Đây là dòng sản phẩm có tính cạnh tranh cao, sản phẩm thế mạnh trong xuất khẩu của ngành thép. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôn thép mạ và phủ mầu chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu ngành thép. Tuy nhiên, thế mạnh này đang bị đe dọa bởi sản phẩm tôn mạ mầu ngoại nhập đang dần lấn sân. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, lượng tôn mạ mầu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn, có giá rẻ và chất lượng kém, gây tổn thất nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt là tình trạng tôn giả, tôn nhái kém chất lượng được nhập khẩu và dán nhãn các thương hiệu uy tín trong nước để tiêu thụ.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành xây dựng, “hàng rào kỹ thuật” của nước ta còn lỏng lẻo, chưa có quy chuẩn chất lượng,… khiến các sản phẩm thép bị “tiến công” ngay trên sân nhà.


Theo khảo sát, hiện giá thép tấm đen nhập từ Trung Quốc trong vài tháng qua giảm mạnh tới 40%, hiện còn khoảng 7,3 triệu đồng/tấn, thép cuộn mạ kẽm Trung Quốc giảm từ 12,5 triệu đồng/tấn xuống còn 10 triệu đồng/tấn. Những mặt hàng này được sử dụng chủ yếu trong các công trình xây dựng, nhà xưởng,… Giá rẻ đã khiến các mặt hàng thép Trung Quốc được nhập về ồ ạt. Thống kê của Bộ Công thương, đến cuối tháng 10, lượng sắt thép các loại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã lên đến 7,71 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Điều đáng lo ngại, thép chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc hầu hết đều sử dụng trong các công trình xây dựng, đe dọa an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng.

Không gặp khó khăn về xuất khẩu, nhưng một số chủng loại gạch không nung, nhất là các loại gạch nhẹ, gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) lại “bí” đầu ra. Sau 5 năm triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (Quyết định 567/2010/QĐ-TTg), công suất các nhà máy loại này đã đạt chỉ tiêu yêu cầu, tuy nhiên chỉ có gạch xi-măng cốt liệu tiêu thụ tốt. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, không tạo điều kiện tốt cho DN vật liệu xây không nung và thiếu quyết liệt trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công,… dẫn đến tỷ lệ sử dụng các loại gạch nhẹ rất thấp, đạt khoảng 10% trên tổng số 21% tỷ trọng vật liệu xây không nung theo Quyết định 567.

Cải thiện tiêu thụ trong nước

Tổng Giám đốc Vicem Trần Việt Thắng cho biết, tính đến ngày 30-11, tổng sản phẩm xi-măng tiêu thụ của Vicem đạt 20,65 triệu tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ, trong đó riêng tiêu thụ trong nước tăng 9,3% và tổng sản phẩm tồn kho của tổng công ty khoảng 1,76 triệu tấn, tương đương 29 ngày sản xuất. Đây là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của ngành xi-măng. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm, lãnh đạo Vicem đã yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, rà soát các chính sách bán hàng, chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng. Đồng thời, phối hợp hoàn thiện hệ thống phân phối và mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, định mức nhằm bảo đảm duy trì ổn định chất lượng sản phẩm với mục tiêu trọng tâm là tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị,… Với việc điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 14 dự án xi-măng, giãn, hoãn 14 dự án khác, áp lực cạnh tranh đã giảm và dự kiến năm nay mức tiêu thụ của toàn ngành khoảng 72 triệu tấn (tăng 7 đến 9%), với tổng số 79 dây chuyền (tổng công suất hơn 81 triệu tấn), riêng tiêu thụ nội địa khoảng 56 triệu tấn.

Tuy nhiên, các loại sản phẩm gạch nhẹ không có được thành công như vậy. Nhiều đơn vị vẫn phải làm ăn theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, phải mở rộng mảng kinh doanh phụ như bán tro bay, xỉ nhà máy nhiệt điện để duy trì mảng kinh doanh chính là gạch nhẹ. Một số đơn vị khác lại dựa vào xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, còn tiêu thụ ở thị trường nội địa rất thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tự chủ động vượt khó, phía Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường rà soát việc sử dụng vật liệu xây không nung cũng như chương trình xóa bỏ lò gạch thủ công. Điểm mới trong năm nay là việc kiểm tra, xử phạt sử dụng gạch không nung tại các công trình xây dựng đã được đưa vào chương trình thanh tra và sẽ tiến hành thường xuyên trong thời gian tới.

Hiện công suất của các nhà máy thép Trung Quốc thừa khoảng 300 triệu tấn/năm, trong khi năng lực của ngành sản xuất thép trong nước chỉ khoảng 12 triệu tấn/năm, nên sự cạnh tranh thị trường thép nội địa thời gian tới sẽ rất khốc liệt. Trung Quốc tìm mọi cách cắt giảm sản lượng thép, buộc dừng hoạt động nhiều nhà máy thép công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, và nước ta trở thành “điểm đến hấp dẫn” của một số nhà máy thép này.


Trung Quốc đang phải đối mặt tình trạng dư thừa và ảnh hưởng tiêu cực của ngành thép tới môi trường.

Ở nước ta, nhóm nhà máy sản xuất thép hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 25%. Còn nhóm nhà máy có công nghệ trung bình, bao gồm các nhà máy thép cũ sử dụng thiết bị Trung Quốc chiếm tới 55%.

Các DN vật liệu xây dựng trong nước cần nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí và đổi mới công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh. Tính cạnh tranh các sản phẩm biểu hiện qua nhiều tiêu chí như giá cả, thương hiệu, chất lượng và dịch vụ sau bán hàng. DN sản xuất vật liệu xây dựng cần ý thức rõ nguy cơ thường xuyên bị xâm lấn của các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, xây dựng chiến lược cụ thể và dài hạn trong chiếm lĩnh thị trường nội địa.


XUÂN THỦY và MINH TRANG (Nhân dân điện tử )

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)