Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Trường hợp nào được sử dụng chi phí dự phòng?

Thứ sáu, 01-09-2017 | 13:48:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Trường hợp bổ sung hạng mục công việc nhưng sử dụng chi phí dự phòng mà không làm tăng tổng mức đầu tư mà được Người quyết định đầu tư chấp thuận là phù hợp với quy định.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đang quản lý dự án công trình xây dựng các phòng học (vốn của tỉnh) tại 1 điểm trường. Trong quá trình thi công, nhận thấy cơ sở vật chất tại trường còn tồn tại nhiều bất cập như sân trường trong mùa mưa bị ngập do chưa có hệ thống thoát nước và sân xi măng hiện hữu đã bị hư hỏng nặng.

Do vậy, Ban quản lý dự án đã đề xuất UBND thành phố lập tờ trình xin cấp quyết định đầu tư cho chủ trương dùng chi phí dự phòng để thực hiện hạng mục bổ sung sân đường - hệ thống thoát nước cho điểm trường trên.

Tuy nhiên sau khi xem xét, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn với nội dung, “Việc phát sinh các hạng mục ngoài dự án làm thay đổi mục tiêu dự án và sử dụng nguồn dự phòng phí để thực hiện theo quy định tại Điểm g, Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ. Chi phí dự phòng bao gồm: Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.

Như vậy, việc UBND thành phố đề nghị sử dụng dự phòng phí công trình để bổ sung hạng mục ngoài dự án là không phù hợp với quy định. Đồng thời làm thay đổi kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2020".

Theo ý kiến của Ban quản lý dự án, chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh là bao gồm phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng và phát sinh hạng mục công trình. Chủ yếu sử dụng vào những việc đúng mục đích và nhu cầu cấp bách.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Trà Vinh đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp rõ về vấn đề này.

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 23/5/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là phải bảo đảm hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện dự án, nếu bổ sung hạng mục công việc để mang lại hiệu quả cho dự án thì Người quyết định đầu tư xem xét quyết định bổ sung các hạng mục này, đồng thời phải bố trí đủ vốn cho dự án.

Trường hợp bổ sung hạng mục công việc nhưng sử dụng chi phí dự phòng mà không làm tăng tổng mức đầu tư như nội dung văn bản hỏi mà được Người quyết định đầu tư chấp thuận là phù hợp với quy định.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc (0)