Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Thành hỏi như sau:
Theo Điều 157 Bộ luật Lao động, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
Trường hợp trở lại làm việc sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Trường hợp này, giáo viên nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản do BHXH chi trả, đồng thời còn được cơ sở giáo dục trả tiền lương và phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm… (nếu có) cho thời gian trở lại làm việc sớm hơn.
Trường hợp giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè, theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT và Khoản 4, Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nghỉ hè của giáo viên bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm là 8 tuần đối với giáo viên mầm non và 2 tháng đối với giáo viên phổ thông. Thời gian này, giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè (bao gồm thời gian nghỉ hằng năm) thì, cùng với chế độ thai sản do BHXH chi trả, giáo viên sẽ được cơ sở giáo dục thanh toán tiền lương và các phụ cấp (nếu có) của thời gian nghỉ hè 2 tháng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ