Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Ông Muscat Pierre (TPHCM) là nhà đầu tư nước ngoài cư trú tại Việt Nam (có thẻ thường trú từ năm 2006 do Công an TPHCM cấp và được gia hạn liên tục, thời gian gia hạn của lần cuối cùng là đến năm 2027).
Năm 2007, ông Muscat Pierre có chuyển khoản góp vốn từ tài khoản cá nhân ở nước ngoài vào tài khoản thanh toán của một công ty TNHH Việt Nam và tham gia trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của công ty đó cho tới nay với số vốn góp trên 51% và được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty TNHH 2 thành viên như một công ty Việt Nam và không cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ông Muscat Pierre hỏi, theo Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, ông là người nước ngoài cư trú thì có cần mở tài khoản đầu tư trực tiếp để chuyển lợi nhuận được chia ra nước ngoài hay không? Nếu như theo quy định mới người nước ngoài cư trú như ông cũng phải mở tài khoản đầu tư trực tiếp thì trong thủ tục với ngân hàng có cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không?
Ông đã tham khảo ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và được trả lời: Vì công ty TNHH đã hình thành và hoạt động trước khi ông góp vốn nên nếu bây giờ ông xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (để phục vụ cho việc mở tài khoản đầu tư trực tiếp) thì Sở sẽ cấp cho công ty, chứ không cấp riêng cho cá nhân ông và trên Giấy chứng nhận việc đầu tư của ông sẽ không được thể hiện đã có từ hơn 10 năm trước.
Như vậy, trường hợp của ông sẽ được hiểu là ông mới thực hiện đầu tư, trong khi sự việc này đã diễn ra từ rất lâu, gây thiệt thòi cho ông.
Ông Muscat Pierre hỏi, việc chuyển lợi nhuận được chia theo tỷ lệ góp vốn (sau khi đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ đối với nhà nước Việt Nam) của ông sẽ phải thông qua tài khoản nào của công ty ông góp vốn? Nếu phải thông qua tài khoản đầu tư trực tiếp mới vừa mở thì phần lợi nhuận của các năm trước chưa chuyển vào tài khoản cá nhân ông ở nước ngoài có được chuyển tiếp đi hay không hay chỉ chuyển được lợi nhuận phát sinh từ sau khi mở tài khoản đầu tư trực tiếp mà thôi? Lợi nhuận tồn từ các năm trước của ông muốn chuyển ra nước ngoài thì phải làm sao?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Hiện nay, quy định quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện theo Pháp lệnh Ngoại hối (đã sửa đổi, bổ sung), Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối, Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài” bao gồm: Cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:… b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp…”.
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức góp vốn của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,…, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 4 và Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định: “Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp; nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp”.
Căn cứ các quy định nêu trên, từ thời điểm Thông tư số 06/2019/TT-NHNN có hiệu lực, doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là người cư trú tham gia góp vốn từ 51% vốn điều lệ trở lên phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Việc góp vốn đầu tư, chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét, kiểm tra các giấy tờ và chứng từ phù hợp (giấy tờ chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể căn cứ vào tài liệu khác phù hợp với quy định của pháp luật) để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài cho khách hàng, bảo đảm việc cung ứng dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.