Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo phản ánh của Hiệp hội taxi Hà Nội, tại cuộc họp với các doanh nghiệp taxi do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 28/6/2017 có nêu việc quy hoạch, giới hạn số lượng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ hoạt động theo hình thức xe hợp đồng do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Tuy nhiên, tại Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thì: UBND cấp tỉnh tổ chức lập, trình HĐND cùng cấp quyết định quy hoạch giao thông vận tải đường bộ do địa phương quản lý, trước khi trình HĐND cùng cấp quyết định phải có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng giải đáp:
- Thẩm quyền quyết định giới hạn số lượng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ chở khách sử dụng hợp đồng điện tử thuộc cơ quan nào?
- Việc quy định kích thước, màu sắc, vị trí niêm yết biểu trưng đối với loại xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải hay UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Thẩm quyền quyết định số lượng ô tô chở khách hợp đồng dưới 9 chỗ
Việc các địa phương quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông đã được quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Văn bản số 5197/VPCP-CN ngày 22/5/2017 triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể:
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu UBND các thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ và các cơ quan có liên quan "1. Thực hiện lập, phê duyệt quy hoạch phương tiện vận tải, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo quy định tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 6 Luật Giao thông đường bộ".
Thẩm quyền quy định kích thước, màu sắc, vị trí niêm yết biểu trưng
Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định trong Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đang thực hiện với hình thức hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy. Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi thì Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử (Công văn số 1850/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT). Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bản chất ở đây là xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng (được các Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy.
Do đó, phương tiện vận chuyển hành khách theo hợp đồng điện tử cũng phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó việc niêm yết theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể:
"1. Niêm yết: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: "Tính mạng con người là trên hết" theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này".
Ngoài ra, theo quy định tại Kế hoạch ban hành kèm Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm: Xây dựng kế hoạch thiết kế, in ấn, cấp logo cho xe tham gia thí điểm. Nội dung này, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung vào Quyết định số 24/QĐ-BGTVT để bảo đảm thuận tiện hơn nữa cho cơ quan quản lý nhà nước và hành khách phân biệt được giữa các xe tham gia Đề án thí điểm và xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thông thường.
Theo Chinhphu.vn