Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nguồn thu từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước thì một phần sẽ được thực hiện tái đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước còn lại theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Một phần còn lại sẽ sử dụng để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội ví dụ như: Bệnh viện trọng điểm các tuyến; chi hỗ trợ chương trình nông thôn, chống biến đổi khí hậu,...
Ông Tiến cũng cho rằng, trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn chế, nếu có thêm nguồn chi đầu tư phát triển này là cần thiết. Các nội dung chi này là nhiệm vụ của nhà nước khi mà các doanh nghiệp không mặn mà vì không sinh lời do là các công trình cộng đồng, xã hội.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, trên cả nước đã cổ phần hóa được hơn 40 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc cổ phần hóa chậm nguyên nhân khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động từ thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn. Song, quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc các bộ ngành thực hiện chưa quyết liệt.
Ông Tiến cũng cho rằng, số lượng cổ phần hóa đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp lớn, vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị doanh nghiệp sau quá trình này.
“Theo tôi, một số điểm quan trọng của công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này là: sẽ tiến hành trước việc cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư”. Ông Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hóa, việc thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát được đặt lên hàng đầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Với sự thận trọng đó, "cơ quan quản lý cũng đang nhận thấy vấn đề định giá doanh nghiệp của các đơn vị tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng"- ông Tiến đánh giá.
Về vấn đề này, ông Tiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, kiểm toán lại để xác định rõ giá trị doanh nghiệp và cũng nhằm đánh giá chất lượng của công ty tư vấn để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này. Giải pháp này sẽ tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp.
Về việc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì sẽ có chế tài xử phạt ra sao? Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Theo quy định về việc niêm yết đã được khuyến khích thực hiện và là yêu cầu bắt buộc từ khi ban hành Quyết định số 51/2014, nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và tới đây sẽ nghiên cứu để đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này.
Trước mắt, đối với các doanh nghiệp chậm niêm yết đăng ký giao dịch, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện./.