Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Bố của ông Hoàng Quốc Vương (TPHCM) là thương binh 1/4, tỷ lệ thương tật 91%, phải nằm một chỗ hơn 30 năm. Vừa qua, bố ông bị viêm phổi nặng, hôn mê sâu nên bệnh viên trả về và chết tại nhà, trong hồ sơ bệnh án ghi bệnh do di chứng chiến tranh.
Ông Vương có gửi hồ sơ của bố ông đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhưng bố ông không được công nhận là liệt sĩ. Ông Vương hỏi, bố của ông có được công nhận là liệt sĩ không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (không áp dụng đối với thương binh loại B) suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết do vết thương tái phát thì được xem xét, xác nhận liệt sĩ.
Tại Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: Thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên phải có giấy xác nhận chết do vết thương tái phát của cơ sở y tế kèm hồ sơ thương binh; thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% phải có bệnh án điều trị (bản sao) và biên bản kiểm thảo tử vong do vết thương tái phát của Giám đốc bệnh viện cấp huyện trở lên kèm hồ sơ thương binh thì được xem xét giải quyết xác nhận liệt sĩ.
Theo nội dung đơn trình bày, bố của ông là thương binh suy giảm khả năng lao động 91%, nếu có giấy xác nhận chết do vết thương tái phát của cơ sở y tế thì được xem xét, lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.
Trong đơn, ông không trình bày rõ lý do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội bác bỏ, không công nhận. Đề nghị ông liên hệ với cơ quan nêu trên để được trả lời cụ thể. Trường hợp không nhất trí với trả lời của Sở, căn cứ Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại, ông có quyền gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi thụ lý hồ sơ hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Theo Chinhphu.vn