Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điều 69 và Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con.
Hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với người hưởng lương trong quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, như Nghị định số 27/2016/NĐ-CP; Nghị định số 151/2016/NĐ-CP; Thông tư số 09/2012/TT-BQP… có quy định áp dụng chế dộ trợ cấp khó khăn đột xuất, thiên tai hỏa hoạn, ốm đau, cấp thẻ BHYT… đối với thân nhân, người nuôi dưỡng hợp pháp của người hưởng lương trong quân đội.
Trường hợp ông Hoàng Anh Toàn, có dì ruột (em gái mẹ đẻ), không lập gia đình, sống cùng gia đình tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, dì cùng mẹ ông nuôi dưỡng ông từ nhỏ đến lớn. Lớn lên ông đi bộ đội, lấy vợ, công tác tại tỉnh Khánh Hòa.
Căn cứ quy định của pháp luật, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên, trường hợp con chưa thành niên mà không còn cha, mẹ cần được nuôi dưỡng thì cô, dì, chú, cậu, bác ruột có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Theo đó, mẹ ông Toàn được xác định là người có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng ông khi chưa thành niên. Nhưng trên thực tế dì ông cùng mẹ ông Toàn cùng có công nuôi dưỡng ông từ nhỏ đến khi nhập ngũ vào quân đội. Do đó, ông Toàn cần có đơn (có xác nhận của người địa phương biết sự việc) gửi UBND xã đề nghị xác nhận thực tế việc dì ông cùng mẹ ông có công nuôi dưỡng ông từ nhỏ, sau đó gửi xác nhận của chính quyền địa phương đến Chỉ huy đơn vị lập hồ sơ đề nghị cơ quan chính sách quân đội xét hưởng chế độ, chính sách cho người dì của ông.
Nay, mẹ ông Toàn đã qua đời, còn lại dì sống một mình ở quê Nghệ An, ông Toàn có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ dì ruột. Do người dì không lập gia đình riêng, không có chồng con, đã cao tuổi, không có người nuôi dưỡng, nên ông Toàn có nghĩa vụ nuôi dưỡng dì ruột mình. Ông có thể đón dì vào Khánh Hòa nuôi dưỡng, chung sống với gia đình. Việc làm đó vừa thể hiện đạo lý, phù hợp pháp luật, cũng là cơ sở để cơ quan chính sách quân đội thực hiện chế độ, chính sách đối thân nhân của ông.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ