Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Thủ tục giám định y khoa để nghỉ hưu trước tuổi

Thứ hai, 16-03-2020 | 09:31:00 AM GMT+7 Bản in
Anh trai của ông Vũ Văn Đức năm nay 58 tuổi, đang làm việc tại Chi nhánh của công ty tại tỉnh Quảng Nam, bị cao huyết áp, hở van tim, hở van động mạch vành độ 2, đóng BHXH được 37 năm. Ông Đức hỏi, anh trai của ông muốn giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thì thủ tục như thế nào? Liên hệ ở đâu?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Điều 55 Luật BHXH 2014, quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau: Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Thủ tục giám định y khoa để thực hiện chế độ hưu trí

Theo Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (tình trạng còn hiệu lực) thì, hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động như sau: Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng; Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh, bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 3 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

Trách nhiệm lập hồ sơ khám giám định: Theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, người lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ khám giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa (cấp tỉnh) đối với các trường hợp sau đây: Giám định để hưởng BHXH một lần; Giám định lần đầu để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng;...

Trường hợp người lao động vì lý do sức khỏe mà không thể tự lập hồ sơ thì người sử dụng lao động hoặc thân nhân của người lao động có thể thay mặt người lao động đó lập hồ sơ khám giám định. Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này, trong đó phải có xác nhận về tình trạng nhân thân của UBND  hoặc công an cấp xã.

Căn cứ quy định nêu trên, người lao động đang đóng BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động có Giấy giới thiệu giới thiệu người lao động đến Hội đồng giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động. Trường hợp Giám đốc chi nhánh được Tổng giám đốc công ty ủy quyền giao kết hợp đồng lao động với người lao động làm việc ở chi nhánh; Chi nhánh đóng BHXH cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội cấp huyện ở nơi chi nhánh hoạt động thì Giám đốc chi nhánh có trách nhiệm ký Giấy giới thiệu gửi người lao động đi giám định y khoa. 

Trường hợp anh của ông Vũ Văn Đức đang làm việc tại Chi nhánh của công ty tại tỉnh Quảng Nam thì có thể liên hệ với Trung tâm giám định y khoa tỉnh Quảng Nam, địa chỉ số 1 Nguyễn Du, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đê lập hồ sơ yêu cầu giám định.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Thu-tuc-giam-dinh-y-khoa-de-nghi-huu-truoc-tuoi/389906.vgp

Ý kiến bạn đọc (0)