Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Cụ thể, các dự án đầu tư mới chỉ được hưởng ưu đãi khi đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của Luật Thuế TNDN, không được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Đồng thời, Thông tư nêu trên chỉ quy định ưu đãi đối với các dự án đầu tư được cấp phép từ ngày 1/7/2015, không ưu đãi theo Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đối với các dự án đầu tư được cấp phép trước ngày 1/7/2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực).
Như vậy, Thông tư số 83/2016/TT-BTC đã vô hiệu hóa các ưu đãi mới quy định tại Luật Đầu tư về lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo hướng tiếp tục khuyến khích các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, ... và các quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi các nội dung nêu trên tại Thông tư số 83/2016/TT-BTC.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Không thể cùng hưởng ưu đãi theo lĩnh vực và theo ngành nghề
Khoản 3, Điều 15 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 quy định, “Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai”.
Pháp luật về thuế TNDN quy định, ưu đãi thuế TNDN cho thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư thuộc “các lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN” quy định tại Luật Thuế TNDN và thuộc “địa bàn ưu đãi thuế TNDN” quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9, Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế).
Khoản 2, Điều 66 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định “bãi bỏ danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP”, không bãi bỏ lĩnh vực ưu đãi về thuế TNDN của Luật Thuế TNDN.
Căn cứ các quy định nêu trên, Thông tư số 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế TNDN đối với các đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư nêu tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 theo nguyên tắc như sau:
- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN (không căn cứ theo ngành, nghề ưu đãi đầu tư của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực quy định của Luật Thuế TNDN.
- Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại danh mục địa bàn ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức áp dụng đối với địa bàn quy định của Luật Thuế TNDN (trừ địa bàn quy định tại Khoản 55, Phụ lục II - danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 83/2016/TT-BTC hướng dẫn “Dự án đầu tư mới đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật Thuế TNDN) hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (trừ địa bàn nêu tại Khoản 55, Phụ lục II được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 điều này) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức tương ứng áp dụng đối với lĩnh vực hoặc địa bàn quy định của Luật Thuế TNDN”.
Theo đó, nội dung hướng dẫn ưu đãi về thuế TNDN đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại Thông tư số 83/2016/TT-BTC nêu trên là đúng quy định của Luật Thuế TNDN và không trái với Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.
Mặt khác, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN không hoàn toàn thống nhất theo danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, vì vậy, nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 83/2016/TT-BTC của Công ty là vừa được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN vừa được hưởng ưu đãi theo Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP là không đúng quy định của pháp luật đầu tư và Luật Thuế TNDN.
Đã hướng dẫn rõ bảo đảm ưu đãi đầu tư khi chính sách thay đổi
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Khoản 1, Điều 56 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 quy định, “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực”. Theo đó, đối với các trường hợp dự án cấp phép trước ngày 1/7/2015 phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư số 59/2005/QH11.
Căn cứ các quy định nêu trên, Khoản 5, Điều 7 Thông tư số 83/2016/TT-BTC đã hướng dẫn “Đối với các dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1/7/2015 và dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng thực hiện trước ngày 1/7/2015: Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm ngày 1/7/2015”.
Khoản 1, Điều 13 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 quy định, “Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án” và Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về bảo đảm ưu đãi đầu tư kinh doanh nêu tại Khoản 1, Điều 13 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 như sau: “Trong trường hợp văn bản pháp luật mới do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư…”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Khoản 4, Điều 7 Thông tư số 83/2016/TT-BTC đã hướng dẫn rõ trường hợp thay đổi pháp luật thì việc bảo đảm đầu tư kinh doanh thực hiện theo Điều 3 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, cụ thể: “Việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP”.
Như vậy, đối với các dự án đầu tư được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1/7/2015 và dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng thực hiện trước ngày 1/7/2015 thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm ngày 1/7/2015 (theo hướng dẫn tại Khoản 5, Điều 7 Thông tư số 83/2016/TT-BTC) và được bảo đảm ưu đãi đầu tư theo Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (đã được hướng dẫn tại Khoản 4, Điều 7 Thông tư số 83/2016/TT-BTC).