Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Công ty của ông Huỳnh Linh (Đồng Nai) ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có điều khoản như sau:
Thời gian làm việc: Giờ làm việc bình thường mỗi ngày 8 giờ, từ 8h đến 17h. Giờ nghỉ trưa hàng ngày từ 12h đến 13h (công ty có cung cấp cơm trưa tại nhà máy). Ngày làm việc trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngày nghỉ hằng tuần từ thứ Bảy đến hết ngày Chủ nhật.
Ông Linh hỏi, nếu công ty có nhu cầu tăng ca vào ngày nghỉ hằng tuần thì giờ nghỉ trưa có được tính vào giờ tăng ca được tính lương không? Trong ngày tăng ca nhân viên vẫn ăn trưa tại nhà máy như ngày bình thường.
Ví dụ: Người lao động tăng ca từ 8h đến 16h thì số giờ tính tăng ca là 8 giờ hay 7 giờ?
Do máy móc sản xuất chạy liên tục trong thời gian nghỉ trưa, nên nhân viên sản xuất phải nghỉ và ăn trưa luân phiên theo sắp xếp của người quản lý (nhân viên không thể nghỉ đồng loạt từ 12h đến 13h) thì thời gian nghỉ ăn trưa luân phiên có được tính vào thời gian làm việc hưởng lương không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định: “Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động”.
Khi công ty có nhu cầu làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần thì toàn bộ khoảng thời gian làm việc vào ngày này (bao gồm cả khoảng thời gian nghỉ giữa giờ) là thời gian làm thêm.
Trong trường hợp công ty của ông bố trí thời giờ làm việc bình thường từ 8h đến 17h, ngày làm việc trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ hằng tuần từ thứ Bảy đến hết ngày Chủ nhật, thì thời gian nghỉ ăn ca không phải tính vào thời giờ làm việc.