Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Thiếu và yếu thành bất lợi

Thứ ba, 15-12-2015 | 12:48:00 PM GMT+7 Bản in
Khó khăn về nhân lực khiến DN phần mềm mất cơ hội cạnh tranh, đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Ngành CNTT đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực

Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực hướng tới trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghệ thông tin (CNTT) của cả nước, thậm chí là cả khu vực.

Để đạt mục tiêu đó, Đà Nẵng tập trung khuyến khích đầu tư nhiều công ty sản xuất phần mềm, xây dựng Khu công viên phần mềm, Khu công nghiệp CNTT tập trung với diện tích lên đến hơn 130 ha. Thế nhưng, do thiếu nhân lực nên ngành CNTT của thành phố đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, đối với nhiều DN phần mềm trên địa bàn, việc tìm kiếm các dự án không còn khó, nỗi lo lớn hơn là có đủ nhân lực để thực hiện dự án đã ký kết với đối tác. Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng (Fsoft Đà Nẵng), nhiều DN công nghệ tại TP. Đà Nẵng hiện đang rất thiếu nhân lực CNTT. Số lượng sinh viên ra trường hàng năm không đủ đáp ứng cho FPT và nhiều DN khác trên địa bàn.

Ước tính mỗi năm các DN phần mềm Đà Nẵng có nhu cầu tuyển khoảng 2 nghìn nhân lực CNTT. Tuy nhiên, các DN chỉ tuyển được khoảng 1 nghìn sinh viên CNTT. Ngoài các DN trong nước gặp khó về nhân lực CNTT, một số tập đoàn, công ty nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… khi đến đầu tư tại TP. Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn về đội ngũ nhân lực trong ngành đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao này.

Bên cạnh thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực ngành CNTT ở TP. Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn yếu. Thực tế, rất nhiều sinh viên CNTT khi ra trường, để sử dụng được các DN đều phải thực hiện công tác đào tạo lại, bồi dưỡng thêm.

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, nhìn chung nguồn nhân lực cho ngành CNTT của chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp, ngoại ngữ yếu, kỹ năng mềm hạn chế, khả năng làm việc nhóm chưa cao.

Đặc biệt để triển khai các dự án lớn như, Data Center, mạng WAN, an ninh mạng, quản lý sản xuất phần mềm. Nhiều sinh viên CNTT tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN. Chưa kể đến việc Đà Nẵng đang thiếu nhiều chuyên gia đầu ngành...

Gặp bất lợi về nhân lực, khiến các DN phần mềm ở Đà Nẵng mất đi cơ hội cạnh tranh với các đối tác, đứng trước nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”. Trong khi, thành phố luôn xác định mục tiêu đưa CNTT trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu lớn…

Theo Hiệp hội DN phần mềm TP. Đà Nẵng, trong những năm tới DN phần mềm trên địa bàn vẫn sẽ tiếp tục trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực có trình độ, nhất là hai ngành kiểm tra, thử phần mềm và lập trình viên. Do vậy, các DN phần mềm ở địa phương rất khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC).

Hiện, thị trường quốc tế đã và đang dần phân hóa thành 2 nhóm yêu cầu về nhân lực, các hãng lớn cần nhu cầu số lượng lớn lập trình viên mà TP. Đà Nẵng chưa đáp ứng được ngay. Trong khi, một số hãng nhỏ sáng tạo, cần nhiều lập trình viên chuyên sâu mà số này ở Đà Nẵng còn quá ít.

Để đáp ứng được nhu cầu công việc, cạnh tranh được trên thị trường giống như nhiều DN phần mềm trong cả nước, một số DN ở Đà Nẵng đã và đang có kế hoạch đặt văn phòng đại diện tại các nước trong khu vực để tuyển nhân viên.

Thực tế, trước yêu cầu cạnh tranh của thị trường một số DN CNTT trong nước đã phải sang Singapore, Philippines… để tuyển nhân sự. Hầu hết, những DN tuyển nhân lực từ nước ngoài đều có quy mô lớn, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Sử dụng nhân lực ngoại, các DN sẽ tiếp nhận được công nghệ, cách làm việc chuyên nghiệp, song vô hình trung lại khiến các DN lớn dần thôn tính các DN phần mềm nhỏ ở địa phương, chưa tính đến nhiều bất cập khác như gia tăng nạn thất nghiệp trong nước...

Để khắc phục những bất cập này, theo nhiều người đã đến lúc các DN phải liên kết chặt chẽ hơn với nhà trường. Thay vì phải đào tạo lại, bồi dưỡng thêm khi đã tuyển dụng nhân sự, DN nên phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, để có thể đáp ứng yêu cầu công việc khi được tuyển dụng.

Nghi Lộc (thời báo Ngân hàng online)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)