Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Trương Thị Thanh Hường như sau:
Khoản 3, Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 giải thích từ ngữ: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo luật sư, yếu tố "cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài" nêu tại Khoản 3, Điều 3 Luật này căn cứ vào việc công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài, hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thường trú tại nước ngoài; thực tế đã có thời gian cư trú, sinh sống lâu dài ở nước đã cho phép thường trú và không vượt quá giới hạn về thời gian được rời khỏi nước ngoài đó khi đến quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác (Ví dụ, người Việt Nam được Hoa Kỳ cấp thẻ "Người thường trú", khi cư trú ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ hơn một năm, thì coi như đã từ bỏ nơi cư trú ở Hoa Kỳ và có thể không được phép trở về Hoa Kỳ nữa; hoặc người Việt Nam được Canada cấp thẻ "Người thường trú" nếu không cư trú tại Canada đủ thời hạn 2 năm trong vòng 5 năm sẽ mất tư cách thường trú tại Canada…).
Đối với trường hợp bà Trương Thị Thanh Hường nêu, nhận thấy thời gian người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh, lưu trú tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam có thời hạn ngắn hơn so với thời gian được phép cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài và thời gian đó cũng nhỏ hơn so với thời gian tối đa được phép rời khỏi nước ngoài đó.
Do vậy, khi xác định yếu tố thời gian cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài cần thiết đối chiếu pháp luật về nhập cư của nước ngoài.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ