Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Tháng thay đổi nơi làm việc, đóng BHXH ở đâu?

Thứ năm, 25-02-2016 | 11:25:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Thị Tươi (Hà Nội, email: nguyentuoiqtvp@...) làm việc tại Công ty A từ tháng 10/2013 đến ngày 18/1/2016 thì chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty A khấu trừ tiền lương đóng BHXH cho bà Tươi đến hết tháng 1/2016.
Ngày 4/1/2016, bà Tươi bắt đầu làm việc tại Công ty B, nhưng chưa chốt Sổ BHXH tại Công ty A để nộp cho Công ty B, mà chỉ báo số sổ BHXH đã cấp.

Khi trả lương tháng 1/2016, Công ty B cũng khấu trừ tiền lương để đóng BHXH tháng 1/2016 cho bà Tươi. Bà Tươi hỏi, Công ty B khấu trừ tiền BHXH của bà có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:

Khoản 2 Điều 54 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, quy định:

"Người lao động tăng mới hoặc ngừng việc, nghỉ việc trong tháng, có ít nhất 01 ngày làm việc và hưởng tiền lương trong tháng, thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị và người lao động như sau:

2.1. Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không tính đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng đó:

- Người lao động tăng mới thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày đầu của tháng tiếp theo tháng chuyển đến làm việc hoặc tháng có hiệu lực của hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng;

- Người lao động ngừng việc, nghỉ việc thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề tháng ngừng việc, nghỉ việc.

Trong cả hai trường hợp trên, nếu đơn vị và người lao động đề nghị đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả tháng mà người lao động có ít nhất 01 ngày làm việc và hưởng tiền lương, tiền công thì thực hiện theo đề nghị của đơn vị.

2.2. Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, dưới 14 ngày trong tháng thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị và người lao động cả tháng đó:

- Người lao động tăng mới thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày đầu của tháng chuyển đến làm việc hoặc tháng có hiệu lực của hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng;

- Người lao động ngừng việc, nghỉ việc thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đến ngày cuối cùng của tháng ngừng việc, nghỉ việc".

Trường hợp bà Nguyễn Thị Tươi làm việc tại Công ty A đến hết ngày 18/1/2016 thì chấm dứt hợp đồng lao động, trừ ngày nghỉ Tết dương lịch 1/1 hưởng nguyên lương, còn lại 3 ngày chủ nhật: 3/1; 10/1; 17/1 là ngày nghỉ hàng tuần không hưởng lương và từ ngày 19/1 nghỉ việc tại Công ty A, như vậy số ngày bà Tươi không làm việc, không hưởng tiền lương trong tháng 1/2016 tại Công ty A là 16 ngày. Căn cứ ý thứ hai, điểm 2.1 Điều 54 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH nêu trên, Công ty A chỉ phải tính đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bà Tươi đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc (ngày 31/12/2015).

Từ ngày 4/1/2016 bà Tươi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động ký với Công ty B. Số ngày bà Tươi không làm việc và không hưởng tiền lương trong tháng 1/2016 tại Công ty B gồm 4 chủ nhật: 10/1; 17/1; 24/1 và 31/1 là ngày nghỉ hàng tuần không hưởng lương, cộng với 3 ngày từ ngày 1/1 đến 3/1 chưa chuyển đến làm việc, chưa hưởng lương, tổng cộng là 7 ngày. Căn cứ ý thứ nhất, điểm 2.2, Khoản 2, Điều 54 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH nêu trên, việc Công ty B tính đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bà Tươi từ ngày đầu của tháng chuyển đến làm việc (tháng 1/2016) là đúng quy định.

Bà Tươi, có thể đề nghị Công ty A thoái thu tiền đóng BHXH tháng 1/2016; đóng và chốt sổ BHXH đến hết 31/12/2015. Từ tháng 1/2016  tính đóng BHXH tại Công ty B.

Luật sư Trần Văn Toàn VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Chính phủ điện tử

Ý kiến bạn đọc (0)