Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Tay nghề thấp cũng phải… cạnh tranh!

Thứ tư, 20-01-2016 | 14:15:00 PM GMT+7 Bản in
Việt Nam phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hội nhập AEC, hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp hơn và tăng khả năng cạnh tranh của các DN.

Không chỉ Việt Nam, hiện các DN trong khu vực 10 nước ASEAN đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC). Tình trạng thiếu hụt kỹ năng và mất cân đối được dự báo có nguy cơ rộng khắp khu vực.

Ước tính đến năm 2025, ½ số việc làm đòi hỏi tay nghề cao ở Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan, Việt Nam được thực hiện bởi lao động có tay nghề thấp, khoảng 26-27 triệu việc làm đòi hỏi kỹ năng cao sẽ thiếu lao động.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý cũng lo ngại, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Việt Nam còn rất thấp, chỉ đạt 38,5% và chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm. Bên cạnh đó là cơ cấu lao động bất hợp lý, trình độ đại học nhiều, nhưng trình độ kỹ thuật trực tiếp lại ít. Cứ 1 người học đại học thì chỉ có 0,35 người học bậc cao đẳng, 0,65 người bậc trung cấp và 0,4 người trình độ sơ cấp.

Theo TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, trong trung hạn nhu cầu về lao động có kỹ năng thấp vẫn sẽ phổ biến hơn cả. Do đó, Việt Nam vẫn còn thời gian để đào tạo và nâng cấp dần dần lực lượng lao động.

Ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu về thị trường lao động phân tích rõ hơn, Thái Lan hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng thiếu lao động tay nghề thấp. Do đó rất có thể khi cơ hội dịch chuyển sang các ngành lao động có kỹ năng thấp rộng mở hơn, thì Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh với các quốc gia như Thái Lan.

Chưa kể với Lào hay Campuchia, mức lương bình quân đối với đội ngũ lao động kỹ thuật cơ bản tại đây hiện thấp hơn không đáng kể so với Việt Nam. Do đó, nếu môi trường làm việc tại các quốc gia này tốt hơn thì nhiều khả năng người lao động cũng sẽ tính đến phương án dịch chuyển sang các nước này.

Theo tính toán, Việt Nam sẽ có khoảng 14 triệu việc làm được tạo thêm đến năm 2025. Dự báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, một số nghề có mức tăng trưởng việc làm cao nhất ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2025 là thủ công mỹ nghệ 8,5%; vận tải 8%; nấu ăn 7,5%; kinh doanh, dịch vụ 7%; nhân viên bán hàng 6,5%...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng lưu ý, việc di chuyển lao động sẽ chỉ được thực hiện khi trình độ lao động được công nhận lẫn nhau giữa các nước thành viên Asean. Hiện nay có 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được thừa nhận là tự do dịch chuyển, tuy nhiên chỉ có duy nhất ngành du lịch là vừa có bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp.

“Thời gian tới chúng ta cần tiếp tục xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp đối với các ngành khác, xem với từng ngành thì kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử… cần như thế nào để khi đào tạo có thể lấp đầy tất cả những yêu cầu mà người sử dụng lao động đòi hỏi”, ông Diệp khẳng định.

Cũng theo ông Diệp, kỹ năng khác cần sớm đào tạo cho lao động là ngoại ngữ, giao tiếp, vì họ không làm việc riêng lẻ mà theo nhóm, có sự chỉ đạo của người quản lý. “Người lao động của ta được đánh giá là thông minh, có rất nhiều sáng kiến, nhưng nếu có sáng kiến mà không trình bày được với người quản lý, người cùng nhóm thì sáng kiến đó không có giá trị gì cả”, ông Diệp khuyến cáo.

Còn theo Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý, Việt Nam phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hội nhập AEC, hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp hơn và tăng khả năng cạnh tranh của các DN.

Khanh Đoàn (Thời báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)