Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Thứ ba, 22-12-2015 | 11:51:00 AM GMT+7 Bản in
Ngày 26/12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam gặp mặt báo chí (Ảnh: HM)

Đó là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động diễn ra tại Hà Nội, chiều ngày 21/12.

Với truyền thống 125 năm, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua bao cam go và thử thách cùng phát triển với nền kinh tế cả nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ. Qua 20 năm, với vai trò là hạt nhân cho phát triển ngành dệt may, thu hút lao động, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn, dẫn dắt, thu hút các nguồn lực trong ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành dệt may, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đặt ra khi thành lập Tập đoàn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu của dệt may cả nước tăng hơn 32 lần từ 850 triệu USD lên trên 27 tỷ USD năm 2015, lao động tăng gấp 25 lần, có thị trường đứng thứ 2 ở cả Mỹ và Nhật Bản, thu nhập bình quân toàn ngành đạt xấp xỉ 200 USD/tháng, riêng của Vinatex xấp xỉ đạt 280USD/tháng; hằng năm, ngành dệt may tạo ra số việc làm mới trên cả nước, thặng dư thương mại đạt trên 13 tỷ USD năm 2015.

Tại họp báo, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thông báo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Với tổng số lao động trực tiếp trong toàn Tập đoàn khoảng 90.000 lao động, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn trên 40.000 tỷ đồng, doanh thu (không VAT) trên 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, thu nhập lao động bình quân trên 6 triệu đồng/tháng… Mặc dù thị trường trong nước còn chịu nhiều áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhập khẩu cũng như nạn hàng lậu, hàng nhái còn nhiều nhưng Tập đoàn đã nỗ lực phát triển doanh thu nội địa quần áo ở mức trên 10 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, Tập đoàn cũng đã chủ động trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy may và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ hội nhập của đất nước. Trong năm, Tập đoàn đã khởi công và hoàn thành nhiều dự án như: Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2, quy mô 2,16 vạn cọc, sản lượng 4.770 tấn/năm; Dự án Nhà máy may Kiên Giang quy mô 20 chuyền may, sản lượng 3,6 triệu sản phẩm quần nữ/năm...

Năm 2016, Tập đoàn dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11% so với năm 2015; doanh thu Tập đoàn dự kiến tăng 8%; lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10%; lao động bình quân dự kiến tăng 10%; thu nhập bình quân dự kiến tăng 10% so với năm 2015.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan đến những thuận lợi và khó khăn của ngành Dệt May khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA; kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2016…/

Hoàng Mẫn (báo điện tử ĐCSVN)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)