Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Theo thống kê, hiện có khoảng 40% lưu lượng hàng hóa của các địa phương khác đang luân chuyển qua địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành, cùng với hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng…, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 10 triệu dân.
Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp logistics Hà Nội nói riêng cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thương mại điện tử để gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có tiềm năng lợi thế như vậy nhưng logistics Hà Nội vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do hiện nay hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù như kho mát, kho lạnh… Số cảng cạn ICD cũng ít và chủ yếu sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy… Chi phí logistics còn cao cộng với tình trạng ùn tắc giao thông cũng làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu, 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu còn lại đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Sở Công Thương cho biết, hiện khả năng đáp ứng các yếu tố logistics của Hà Nội đối với các doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa cao, chỉ trên mức trung bình.
Về tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm logistics, mặc dù các sở, ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật,… Tuy nhiên, các khu đất hạ tầng logistics được quy hoạch phần lớn đều gắn với các công trình đầu mối giao thông vận tải chính như ga đường sắt quốc gia, cảng đường thủy nội địa…
Do đó, khi triển khai lập quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng phải phụ thuộc vào quy hoạch các công trình đầu mối giao thông có liên quan. Các kho, bãi, địa điểm hoạt động logistics chủ yếu nằm trong nội đô, hình thành tự phát, phân tán, diện tích nhỏ, năng lực khai thác hạn chế… dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, làm phát sinh nhiều chi phí không đáng có như: Lưu xe, lưu container, nâng hạ, bốc xếp…
Bên cạnh đó, về khung pháp lý, kinh doanh dịch vụ logistics là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tuy nhiên cơ sở pháp lý hiện chỉ có Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Có thể nói quy định quản lý nêu tại Nghị định số 140/2007/NĐ-CP đến nay không còn phù hợp, quy định về điều kiện kinh doanh còn sơ sài, chưa rõ thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics ở cấp chính quyền địa phương;…
Để đẩy mạnh phát triển logistics năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng logistics trên địa bàn, đồng thời tích cực phối hợp, kết nối với các địa phương trong và ngoài nước nhằm từng bước xây dựng Thủ đô thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.
Kế hoạch Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024 đặt mục tiêu phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào GRDP, gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ logistics. Theo đó, cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố. Đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics, phấn đấu khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) trong năm 2024; xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn), hoàn thành thủ tục đầu tư 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm)…
Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong chức năng quản lý nhà nước của ngành Công Thương địa phương, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát xin ý kiến các cơ quan bộ, ngành quản lý chuyên ngành có liên quan đến phương án quy hoạch phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành bảo đảm đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để các dự án hạ tầng dịch vụ logistics được triển khai theo quy hoạch đã phê duyệt, thành phố Hà Nội tiếp tục kêu gọi, xúc tiến, có chính sách thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là đối với 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics đã được giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập, đề xuất dự án.
Song song với đó, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng hóa tại các khu vực tập trung sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho hàng chuyên dụng…
Theo Thùy Linh (Báo Chính phủ)
https://thanglong.chinhphu.vn/tao-thuan-loi-cho-cac-doanh-nghiep-hoat-dong-trong-linh-vuc-logistics-103240528111453967.htm