Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Siêu thị nội tụt hậu hơn siêu thị ngoại vì thiếu vốn?

Thứ ba, 16-02-2016 | 10:25:00 AM GMT+7 Bản in
Các DN trong nước phải có ý thức nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí ở thị trường nội địa bằng cách chuyên nghiệp các hình thức phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Doanh nghiệp bán lẻ ngoại ngày càng thống lĩnh

Với thị trường trên 90 triệu dân, trong đó dân số thành thị chiếm 33% và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nhanh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt từ tháng 1/2015, khi quy định cho phép thành lập các công ty bán lẻ có 100% vốn đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực, sự ra đời của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài cùng nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập ngày càng rầm rộ.

Ảnh minh họa

Bên cạnh các tên tuổi như Lotte, Big C… đã có mặt khá sớm trên thị trường, các tập đoàn của Nhật Bản, Thái Lan cũng bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt.

Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win Win cho biết, bất kỳ DN bán lẻ nào đầu tư vào một thị trường cũng đều đưa hàng hóa của nước họ vào hệ thống để bán.

Ví dụ như Aeon - một ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản, khi mở siêu thị bán lẻ ở Việt Nam đã tận dụng tâm lý tin cậy, thích dùng hàng Nhật của người Việt mà sử dụng phương án bán 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt và 1/3 hàng từ các nước khác.

DN bán lẻ ngoại đang ngày càng thống lĩnh mạng lưới phân phối, đó là một sự thật mà các DN sản xuất Việt phải chấp nhận.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, DN bán lẻ ngoại nắm được kênh phân phối sẽ “bóp chết” sản xuất trong nước là nguy cơ rất lớn. Từ trước đến nay chúng ta chỉ coi trọng sản xuất mà coi nhẹ kênh phân phối nhưng trong kinh tế thị trường, phân phối sẽ quyết định. Ai quyết định được phân phối sẽ tác động ngược trở lại sản xuất.

Ông Doanh bày tỏ lo ngại đối với việc người Thái mua lại Metro, họ đưa hàng hóa Thái từ công nghệ đến hàng nông sản vào thì DN chúng ta bán hàng đi đâu?

Có thể thấy, bên cạnh việc tạo ra các mô hình kinh doanh hiện đại như các trung tâm thương mại, đại siêu thị quy mô lớn, mua bán – sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ hơn là cách thức các tập đoàn nước ngoài tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thị trường bán lẻ có còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt?

Trong làn sóng đại gia bán lẻ Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan… mở chuỗi siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam, nỗi lo lớn của DN trong nước là hàng ngoại sẽ đánh bật hàng Việt. Nhiều DN trong nước thừa nhận khó khăn lớn nhất trong năm 2016 mà họ phải đối mặt là cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà. Với xu thế hội nhập, hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam. Những DN nào không chuẩn bị từ vài năm trước thì nguy cơ tụt hậu, mất thị trường là rất lớn.

Các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tại Việt Nam phát triển lấn át các doanh nghiệp nội là do các tập đoàn này đã có lịch sử hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn hình thành gần trăm năm. Do đó, các DN này có tiềm lực tài chính và nguồn lực con người rất mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn, sức ép này vẫn có những tác động tích cực tới thị trường. Đó là việc các doanh nghiệp nội buộc phải thay đổi cả về chất và lượng để thích nghi. Còn đối với các nhà bán lẻ nội địa mới gia nhập thị trường, điều quan trọng nhất là phải có quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và chiến lược bài bản.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sức ép cạnh tranh bán lẻ đang từng ngày đè nặng lên DN sản xuất và DN phân phối trong nước. Do đó, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ của chúng ta sẽ còn phải làm nhiều việc để chiếm lĩnh “sân nhà” rộng và sâu hơn nữa.

Theo đó, phát triển mạng lưới, xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng sẽ là những bước đi mà các DN Việt cần tập trung trong quá trình phát triển thị trường. Trong đó, chuyên nghiệp hóa dịch vụ phải là một giải pháp đầu tiên mang tính chiến lược mà các DN Việt cần chú trọng.

Bên cạnh đó, bản thân các DN trong nước phải có ý thức nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí ở thị trường nội địa bằng cách chuyên nghiệp các hình thức phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về giá, chủ động nguồn hàng và ngày càng đa dạng các mặt hàng, thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi…

Ngoài các nỗ lực của DN, theo bà Vũ Kim Hạnh, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao, các DN trong nước cần được hỗ trợ về tín dụng, nguồn vốn, thuế. Đồng thời, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối. Ngoài ra, cần có các biện pháp, chế tài nghiêm ngặt và mạnh mẽ với các hành vi gian lận thương mại nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để bảo vệ DN làm ăn chân chính.

Huyền Phạm (Thời báo Ngân hàng)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)