Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Quyền thẩm định thiết kế dự án nhóm C

Thứ ba, 20-07-2021 | 16:08:00 PM GMT+7 Bản in
Ông Đồng Mạnh Hà (Hà Nội) hỏi, phần nội dung trưng bày - Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội có được xem xét là dự án nhóm C và công tác thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật sẽ do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND Thành phố thực hiện hay không?

Theo phản ánh của ông Hà, Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội gồm 2 phần: Đầu tư xây dựng công trình và nội dung trưng bày.

Phần xây dựng công trình đã hoàn thành và được bàn giao chính thức cho Bảo tàng Hà Nội vận hành từ ngày 22/11/2011. Phần nội dung trưng bày đang được triển khai gồm 3 bước: Thiết kế tổng thể, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

Hồ sơ thiết kế tổng thể điều chỉnh, bổ sung do Sở Xây dựng thẩm định và đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-UBND ngày 22/2/2019, là cơ sở để Bảo tàng Hà Nội triển khai thực hiện Dự án.

Hiện nay, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đang trong giai đoạn thẩm tra chuẩn bị trình thẩm định. Dự án được phân loại theo nguồn vốn sử dụng tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trong gian đoạn I trước đây của Dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã trình thẩm định tại Sở Xây dựng Hà Nội, tuy nhiên, theo hướng dẫn mới tại Mục 3 Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở như Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội sẽ do cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng thẩm định. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai dự án trong thời gian tới.

Phần trưng bày của dự án có giá trị dự toán được phê duyệt là 771,984 tỷ đồng, tương đương với dự án nhóm C, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố cấp, đồng thời đây là dự án đã và đang triển khai.

Phần nội dung trưng bày của Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội có hàm lượng văn hóa rất lớn, thiên về công tác trưng bày mỹ thuật với nội dung về văn hóa, lịch sử rất phong phú. TP. Hà Nội đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học bao gồm các Sở ngành chuyên môn và nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử cùng đồng hành, đóng góp tích cực về góc độ chuyên môn.

Với các giải trình như trên, ông Hà hỏi, phần nội dung trưng bày - Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội với giá trị 771,984 tỷ đồng có được xem xét là dự án nhóm C và công tác thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật sẽ do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND TP. Hà Nội thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Theo nội dung câu hỏi của ông Hà và qua tìm hiểu thông tin, một số nội dung liên quan Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội như sau:

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội (Dự án) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1424/QĐ-UBND ngày 21/4/2008, trong đó có một số nội dung sau:

- Chủ đầu tư: Phần xây dựng và lắp đặt thiết bị là nhà đầu tư được lựa chọn và ký kết Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), thực hiện theo Văn bản số 519/TTg-VX ngày 7/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ đầu tư phần còn lại của Dự án là Sở Xây dựng Hà Nội.

- Nguồn vốn đầu tư: Phần xây dựng và lắp đặt thiết bị là vốn của nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT; phần còn lại của dự án (phần nội dung trưng bày) là vốn ngân sách cấp.

Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 5099/QĐ-UBND ngày 7/11/2012; Quyết định số 1207/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 (trong đó tổng mức đầu tư Dự án giảm); phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án tại Quyết định số 4135/QĐ-UBND ngày 16/9/2020 (trong đó, phê duyệt điều chỉnh: Hoàn thành trưng bày tổng thể vào tháng 6/2021 và tổ chức quyết toán hoàn thành công trình năm 2022). Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội đang triển khai thiết kế kỹ thuật nội dung trưng bày để tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Nội dung trưng bày của Dự án đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thống nhất, ủy quyền thẩm định cho Sở Xây dựng Hà Nội tại Văn bản số 197/HĐXD-KT ngày 28/3/1016. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành không có quy định về việc ủy quyền thẩm định dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này.

Về quy định chuyển tiếp, tại Điểm c Khoản 5 Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định: “Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.

Pháp luật về xây dựng hiện hành quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án PPP, công trình xây dựng thuộc dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (không có hình thức hợp đồng BT như nêu trên).

Do vậy, chủ đầu tư cần liên hệ với cơ quan quản lý có thẩm quyền để được hướng dẫn quy định chuyển tiếp quản lý đối với Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công, đầu tư và pháp luật có liên quan để làm cơ sở lập, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc Dự án.

Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Quyen-tham-dinh-thiet-ke-du-an-nhom-C/438947.vgp
Ý kiến bạn đọc (0)