Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh trả lời ông Thanh như sau:
Theo Điều 6 Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể:
Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết.
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp THCS, 15 tiết ở cấp THPT.
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp THCS.
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp THCS…
Điểm a, b, d, g, Khoản 1, Điều 31 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giáo viên bộ môn trường trung học có những nhiệm vụ: Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương; thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy ngoài việc đảm nhiệm đủ số tiết theo quy định, giáo viên còn tham gia làm công tác phổ cập giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục do Hiệu trưởng phân công giáo viên làm ngoài giờ, không được trừ tiết.
Nếu phân công giáo viên kiêm nhiệm vừa làm phổ cập vừa trực văn phòng là không đúng. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị ông Thanh tham khảo các căn cứ nêu trên để vận dụng vào từng trường hợp cụ thể.