Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ - Xu hướng tất yếu của DN

Thứ ba, 30-07-2013 | 10:13:00 AM GMT+7 Bản in
Không nhận mình là một doanh nhân, ở cương vị người sáng lập, Chủ tịch Viện FMIT, TS. Quang Tùng Minh luôn mong muốn có những đóng góp về giáo dục – đào tạo dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Hiện nay, Viện FMIT - nơi anh đang điều hành, là một trong những tổ chức đào tạo đầu tiên của Việt Nam hướng đến việc huấn luyện, chuyển giao các chuẩn mực quản trị quốc tế cho DN Việt Nam và trong khu vực.
DĐDN đã có cuộc trò chuyện với Chủ Tịch FMIT về những nội dung xoay quanh vấn đề: Quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Nâng giá trị và hình ảnh, thương hiệu DN Việt

- Thưa anh, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ - hai nội dung nền tảng trong hệ thống quản trị của cộng đồng DN nói chung vốn đã được kiểm chứng và chuẩn mực hóa trên toàn cầu; thế nhưng đối với nhiều DN Việt Nam, hình như đó vẫn còn là những điều vô cùng mới mẻ. Liệu đây có phải là lý do khiến FMIT hướng đến việc đào tạo, chuyển giao các chuẩn mực này, trước hết cho DN trong nước?

Trên thế giới, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ là câu chuyện đã được nhiều DN, Tập đoàn thực thi rất nghiêm túc và đó gần như là những yêu cầu tối cơ bản trong hoạt động quản trị của một DN, Tập đoàn. Ở các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, Australia,…, đã có những tổ chức, Học viện được thành lập cách đây hàng chục năm, cùng những chuẩn mực về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ… do họ ban hành đã được sử dụng và công nhận rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Những chuẩn mực này do hàng nghìn các chuyên gia trên thế giới nghiên cứu, tổng hợp, cống hiến, đúc kết, và theo đó trở thành những thực tế quản trị tốt nhất mang lại hiệu quả to lớn cho nhiều DN. Điều này hoàn toàn khác với những phương pháp quản trị kiểu “kinh nghiệm” được phát triển riêng lẻ từ ý kiến của một vài cá nhân, tổ chức hoặc của một DN nào đó.

Một khi các chuẩn mực này đã được công nhận và ứng dụng rộng rãi trên thế giới, điều đó minh chứng cho tính phổ biến và hiệu quả của việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và rút ngắn khoảng cách về năng lực quản trị của các tổ chức, thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện tại. Hơn nữa, thực tế cho thấy, rõ ràng phần đông các DN, Tập đoàn quốc tế đã và đang trải qua những thách thức, những tác động khách quan và những vấn đề nội tại xảy ra ở các DN đó, khiến họ phát sinh nhu cầu ứng dụng các chuẩn mực đã được công nhận. Theo chúng tôi, những vấn đề mà các DN tại các nước phát triển đã đối diện thì cũng sẽ là những điều mà DN, Tập đoàn ở các nước đang phát triển như Việt Nam có thể trải qua. Đó là quy luật chung của sự vận động phát triển của DN.

- Anh có thể giới thiệu đôi chút về các chuẩn mực và những đối tác mà FMIT đang liên kết, phối hợp để chuyển giao, triển khai ứng dụng cho DN Việt Nam?

Tại FMIT, chúng tôi có những đối tác đến từ những nền kinh tế phát triển trên thế giới. Một trong những đối tác lớn đó là Học Viện Quản lý Dự án - PMI®. Được thành lập vào năm 1969, PMI là tổ chức lâu đời ban hành chuẩn mực quản lý dự án quốc tế được sử dụng và công nhận rộng rãi trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Chuẩn mực PMBOK phiên bản số 5 của PMI tổng hợp từ sự cống hiến của hàng nghìn các chuyên gia trên toàn thế giới, giúp các tổ chức rút ngắn khoảng cách về năng lực quản lý dự án, tạo ra đột phá trong quản lý dự án nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, và ngăn ngừa các sự cố trong quản lý dự án. PMI ban hành hệ thống các chứng chỉ quản lý dự án quốc tế như: CAMP, PMP, PMI-PRM, PgMP. v.v công nhận năng lực của các nhà quản lý dự án, khẳng định sự chuyên nghiệp của họ trong lĩnh vực quản lý dự án. Để đủ điều kiện tham gia thi chứng chỉ quốc tế, học viên phải có đủ số năm kinh nghiệm theo yêu cầu và tham gia khóa học quản lý dự án tại một trong các đối tác đào tạo của PMI® trên toàn cầu. Hiện nay, Viện FMIT là một trong những đối tác toàn cầu của PMI®. 

Ngoài ra, Viện FMIT hiện cũng là đối tác độc quyền, tổ chức đại diện duy nhất cho Viện Kiểm soát nội bộ ICI (Hoa Kỳ). Đây là Viện được thành lập bởi hội đồng các Giáo sư và chuyên gia về kiểm soát nội bộ tại California, Hoa Kỳ, cung cấp chuẩn mực CBOK trên nền tảng chuẩn COSO dành cho các chuyên gia, nhà quản trị, các trưởng phòng ban công cụ để triển khai kiểm soát hoạt động trong toàn tổ chức. Chứng chỉ do ICI cấp được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Ở vị thế “độc quyền” đào tạo kiểm soát nội bộ và cấp chứng chỉ do ICI, Viện FMIT đã và đang hỗ trợ cho nhiều DN Việt Nam khẳng định năng lực và chuẩn mực của tổ chức, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của tổ chức, nâng giá trị và hình ảnh thương hiệu DN Việt lên một vị thế mới.

Có thể nói hầu hết các đối tác mà FMIT đã nỗ lực song hành, liên kết, đều là những tổ chức danh tiếng và giúp chúng tôi thực hiện đúng chiến lược đề ra là phát triển chiến lược hợp tác quốc tế, mang đến cho học viên các chương trình đào tạo và bằng cấp giá trị từ các trường danh tiếng, các hiệp hội được kiểm định chất lượng cao trên thế giới.

DN lớn đã quan tâm ứng dụng chuẩn mực quốc tế


TS. Quang Tùng Minh trong một khóa đào tạo về Quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ cho DN của Viện FMIT

- DN Việt Nam đã đón nhận các chương trình của FMIT như thế nào, thưa anh?

Về cơ bản thì những DN có sự quan tâm đến việc nâng cao giá trị thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng, kỹ năng kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, quản lý dự án trong toàn hệ thống đều luôn dành kinh phí và thời gian để cử các đại diện, thường là các CEO, các lãnh đạo từ cấp Trưởng phòng trở lên theo học những chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những học viên cá nhân, đi học với mục tiêu có thêm những chứng chỉ và kỹ năng đã được chuẩn mực quốc tế công nhận, để làm hành trang cho sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, các chương trình của FMIT hiện vẫn đang được các DN lớn, Tập đoàn hưởng ứng và triển khai là chủ yếu. DN vừa và nhỏ khá ít.

- Tại sao DNVVN lại chưa quan tâm, tiếp cận những chuẩn mực này. Anh có khảo sát và nắm bắt nguyên do?

Rất đơn giản, những DN lớn, những Tập đoàn do yêu cầu từ cổ đông, thị trường, khách hàng, pháp luật, hay nội bộ tổ chức... họ buộc phải thành lập các phòng ban chuyên trách như phòng quản lý dự án, phòng kiểm soát nội bộ, phòng quản trị rủi ro,… nhằm chuyên môn hóa, tách biệt các vai trò cần thiết để hoàn thành mục tiêu của hệ thống như: hiệu quả hoạt động, minh bạch tài chính, và phù hợp pháp luật. Hơn nữa, sự di chuyển và thay đổi nhân sự trong các DN lớn và Tập đoàn thường đòi hỏi phải có một sự chuẩn bị bài bản trong đó không thể thiếu vai trò của đào tạo. Một khi Tập đoàn có sự thay đổi về một vài vị trí chủ chốt hoặc trọng yếu nào đó, dĩ nhiên, để mọi hoạt động vẫn vận hành trơn tru theo đúng chuẩn mực quản trị rủi ro, quản trị dự án, kiểm soát nội bộ, thì những người mới cũng cần được nắm bắt, cập nhật các quy chuẩn của chuẩn mực đó. Vì vậy, việc học tập và đào tạo nhân sự của các Tập đoàn, DN lớn vẫn diễn ra thường xuyên, dài hơi.

Tất nhiên cũng có những DNVVN có tầm nhìn dài hạn, và họ cũng đề cao việc ứng dụng các chuẩn mực quốc tế vào quản trị, điều hành DN; nhưng thực tế đó vẫn còn hạn chế. Tôi cho rằng trong tương lai lâu dài, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu và yêu cầu của một tiến trình kinh tế hội nhập, các DNVVN nói chung rồi cũng sẽ thay đổi và bắt nhịp với trào lưu này.

Sự cố DN và đối phó kiểu… tình huống

- Có thể còn nguyên do nào khác chăng? Chẳng hạn như với một quy mô vừa và nhỏ, liệu DN có cần thiết phải ứng dụng những quy chuẩn, chuẩn mực về quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ?

Phải nói rằng dù ở quy mô nào DN cũng phải đối diện với các vấn đề về quản trị và cần nắm những nguyên tắc quản trị, đặc biệt là những chuẩn mực quản trị thực tế tốt nhất. Những nguyên tắc này giúp ban giám đốc xây dựng, phát triển, và ra quyết định dựa trên những cơ sở lý luận mang tính hệ thống, bài bản. Thiếu những phương pháp và nguyên tắc cốt lõi này, DN khó có thể đi xa, đi nhanh được. Với quy mô vừa và nhỏ, nhiều DN chỉ tập trung hoạt động chuyên môn cho một lĩnh vực, một dự án, và thường ít chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống quản trị hiệu quả bao gồm hệ thống triển khai kinh doanh và hệ thống kiểm soát triển khai kinh doanh. Từ đó, dễ có khả năng xảy ra các sự cố và việc giải quyết tình huống theo kiểu “đối phó” nhiều hơn là hoạt động mang tính hệ thống, hạn chế rủi ro.

Hơn nữa, ví dụ, một nhà điều hành, quản lý và phát triển một dự án muốn quản lý được rủi ro thì cũng cần phải có những kỹ năng, chuẩn mực chung cho cả DN. Hay trong chuẩn mực kiểm soát nội bộ, đó là việc của cả hệ thống, không phải của chỉ một người. Công việc này đòi hỏi mỗi một bộ phận phải có kỹ năng, có quy trình và phương pháp để triển khai cho toàn hệ thống, dù tổ chức đó quy mô ra sao.

- Vậy ở Việt Nam, qua FMIT, đã có những Tập đoàn, DN nào ứng dụng, triển khai các chuẩn mực quốc tế của PMI, hay của ICI, thưa anh?

 Có thể kể khá nhiều: Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, Ngân hàng Sacombank, Tập đoàn Masan, Ngân hàng Quốc tế VIB, Tổng Công ty Petrolimex, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty Gameloft, Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng số 1, Công ty Thép Pomina, Tập đoàn Tân Cảng, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, Công ty Sino Pacific..v.v.

Nhìn chung các DN này đều cử cán bộ tham dự chương trình đào tạo, và ứng dụng, triển khai. Một số các DN đã có sẵn các phòng ban, ví dụ ban kiểm soát nội bộ, bộ phận quản trị rủi ro, thì chúng tôi chỉ đào tạo, huấn luyện, chuyển giao các chuẩn mực quản trị đã được định sẵn và thường mất không nhiều thời gian. Cũng có một số DN do chưa hề tiếp cận các chuẩn mực nên đôi khi chúng tôi cũng đồng hành với họ trong quá trình triển khai để các chuẩn mực được ứng dụng tốt nhất và phù hợp với từng DN.

- Xin cảm ơn về những chia sẻ!

Lê Mỹ (thực hiện)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)