Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020
Hiện nay hệ số trách nhiệm của bà được hưởng là 0,09. Vậy nếu số ngày làm việc bình thường công ty quy định là 22 ngày, làm thêm giờ 6 ngày thì mức phụ cấp trách nhiệm của bà được nhận là 0,09 x mức lương tháng hay là 0,09 x mức lương tháng/22 ngày x 28 ngày?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Nguyễn Minh Trang như sau:
Điều 102 Bộ luật Lao động quy định, các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
Trước đây, các công ty nhà nước, công ty cổ phần được cổ phần hóa từ công ty nhà nước, các công ty cổ phần trong đó Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Phụ cấp trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này được áp dụng đối với những người làm một số công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc phải đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo, bao gồm tổ trưởng sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung. Mức phụ cấp cụ thể tương ứng với trách nhiệm công tác đảm nhiệm. Mức phụ cấp trách nhiệm được các doanh nghiệp áp dụng đối tổ trưởng sản xuất, kinh doanh là 0,1 so với mức lương tối thiểu chung (nay gọi là mức lương cơ sở).
Hiện nay, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành khi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013.
Ngày 22/4/2016 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này quy định, phụ cấp trách nhiệm được áp dụng đối với người lao động làm một số công việc thuộc công tác quản lý (như tổ trưởng, tổ phó, đội trưởng, đội phó, quản đốc, đốc công, trưởng ca, phó trưởng ca, trưởng kíp, phó trưởng kíp và chức danh tương tự) hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn so với trách nhiệm đã tính trong mức lương của thang lương, bảng lương (như thủ quỹ, thủ kho, kiểm ngân và chức danh tương tự).
Công ty rà soát, đánh giá yếu tố trách nhiệm đối với công việc để xác định mức phụ cấp trách nhiệm, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương.
Phụ cấp trách nhiệm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi không làm công việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 1 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Cụ thể vấn đề bà Nguyễn Minh Trang hỏi, căn cứ hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH (nêu trên), mức phụ cấp trách nhiệm được Công ty TNHH MTV Nhà nước (nơi bà Trang công tác) áp dụng đối với tổ trưởng là mức 0,09 so với mức lương tháng của công việc hoặc chức danh tổ trưởng theo thang lương, bảng lương do Công ty này quy định và thực hiện.
Không thấy có quy định tính phụ cấp trách nhiệm trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (do doanh nghiệp lựa chọn), nhân với số ngày làm việc thực tế (giảm đi hoặc tăng thêm so với số ngày làm việc bình thường), nhân với hệ số phụ cấp trách nhiệm, như cách thứ hai mà bà Trang nêu.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ