Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Phản hồi kiến nghị quy định về bản sao giấy tờ gây khó cho nhà đầu tư

Thứ ba, 20-12-2022 | 13:52:00 PM GMT+7 Bản in
Ông Lưu Tiến Hưng (Hà Nội) làm nghề tư vấn pháp lý, chủ yếu về các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy các cơ quan có thẩm quyền cấp phép áp dụng không thống nhất việc sử dụng bản sao hợp pháp giấy tờ chứng thực của cá nhân, tổ chức nước ngoài như: Hộ chiếu, Giấy chứng nhận thành lập/đăng ký doanh nghiệp…

Ông Hưng đơn cử thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp và xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, đối với hộ chiếu của cá nhân nước ngoài: Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp với tư cách là cá nhân thì một số Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư cung cấp bản sao y chứng thực toàn bộ Hộ chiếu của nhà đầu tư (bao gồm cả trang bìa và tất cả các trang trống thông tin). Có nơi lại yêu cầu nhà đầu tư chỉ cung cấp bản sao y chứng thực trang có thông tin của nhà đầu tư cá nhân. Có Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu nhà đầu tư cung cấp bản dịch công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài. Và có Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu nhà đầu tư cung cấp bản dịch công chứng kèm bản sao y chứng thực hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Giấy chứng nhận thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức nước ngoài: Có Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư cung cấp bản sao y chứng thực từ bản được hợp pháp hóa lãnh sự. Có Sở lại yêu cầu cung cấp bản dịch công chứng kèm bản sao y chứng thực.

Sự không thống nhất nêu trên dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị giấy tờ, gián đoạn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật không giải thích một cách rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính gặp khó khăn trong việc yêu cầu nhà đầu tư cung cấp, cụ thể đơn cử tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định bản sao các giấy tờ sau đây:

"Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền".

Ông Hưng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét giải quyết tình trạng bất cập nêu trên, bởi đây đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài đánh giá chất lượng thủ tục hành chính tại Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 2 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định:

"Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư là bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc giấy tờ xác nhận việc thành lập, hoạt động của tổ chức kinh tế, bao gồm:

a) Số định danh cá nhân đối với cá nhân là công dân Việt Nam hoặc bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu còn hiệu lực, các giấy tờ chứng thực cá nhân khác đối với cá nhân;

b) Bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thành lập, Quyết định thành lập hoặc các tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương đối với tổ chức" (Khoản 15) và "Bản sao hợp lệ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc từ cơ sở dữ liệu quốc gia đối với trường hợp thông tin gốc được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp và đầu tư" (Khoản 2).

Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: "Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác" (Điều 16); "Giấy tờ pháp lý của tổ chức là một trong các loại giấy tờ sau đây: Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác" (Khoản 17) và "Bản sao là giấy tờ được sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực từ bản chính bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc đã được đối chiếu với bản chính" (Khoản 1)

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, "Hợp pháp hóa lãnh sự" là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định "Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này".

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 69 Luật Đầu tư năm 2020, đề nghị ông liên hệ với cơ quan đăng ký đầu tư để được xem xét theo thẩm quyền.

 

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/phan-hoi-kien-nghi-quy-dinh-ve-ban-sao-giay-to-gay-kho-cho-nha-dau-tu-102221219103736876.htm

Ý kiến bạn đọc (0)