Hàng Việt Nam vào EU tăng trưởng từ 12% - 15%

Theo Bộ Công thương, trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% - 15%. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 8,7%. EU nằm trong top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho hay, tính chung xuất khẩu nông sản sang EU đã tăng trung bình 15% mỗi năm trong 4 năm qua. Đặc biệt, các mặt hàng như gạo ST25, thanh long và xoài cát Hòa Lộc đã trở thành những sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia châu Âu.

Năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD. Việt Nam đã được xuất khẩu gạo tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối EU. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, chiếm 14,2% thị phần…

Có thể thấy, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU là nhờ việc đã ký kết và tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định EVFTA.

Không chỉ tận dụng lợi thế từ việc giảm thuế, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường DACE cho hay, sau 4 năm EVFTA được thực thi, doanh thu của công ty tại thị trường EU tăng từ 18% lên 36% và xếp vị trí số 1 trong cơ cấu doanh thu. Nhờ EVFTA, các đối tác rất thuận lợi trong việc đầu tư thiết bị, chất xám, đặt nhà máy tại Việt Nam, tạo chuỗi liên kết từ nông dân, nhà máy đến xuất khẩu và khách hàng. Quan trọng hơn là doanh nghiệp có thể tiếp cận khoa học, công nghệ cùng phương thức quản trị, vận hành tiên tiến từ những tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường

Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Đó là hàng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2% dung lượng thị trường EU. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp mới đạt hơn 20%.

Mặc dù EU đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ nông sản Việt nhưng đây vẫn là một thị trường khó tính với những quy định liên tục thay đổi. Vì vậy, Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu, cần khắc phục các tồn tại liên quan đến quy tắc xuất xứ, chất lượng hàng nông sản. Việc đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, EU hiện có xu hướng chuyển đổi mạnh với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống phá rừng… Nếu đáp ứng được những quy định này sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với những đối thủ khác.

Để tận dụng tốt những cơ hội từ EVFTA mang lại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng; chủ động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường EU.

Bộ Công thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…

Nhằm nâng tầm quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đại diện EuroCham kỳ vọng, trong thời gian tới, EVFTA sẽ tiếp tục mang đến tác động tích cực, sâu rộng hơn, thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, mang lại lợi ích thiết thực cho cả EU và Việt Nam. EuroCham cũng đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA, nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhiều dư địa tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU


Chú trọng xúc tiến thương mại đến thị trường trọng điểm EU

Bên cạnh việc phổ biến các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ EVFTA, Bộ Công thương sẽ phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý chuyên ngành hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tăng cường xúc tiến thương mại đến thị trường trọng điểm EU… Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương.

Theo Song Linh (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-du-dia-tang-xuat-khau-nong-san-vao-thi-truong-eu-158142-158142.html