Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nhận diện những 'hạt sạn' cản trở doanh nghiệp phát triển

Chủ nhật, 05-06-2016 | 16:48:00 PM GMT+7 Bản in
(TBTCO) - Hiện nay, còn tồn tại rất nhiều văn bản, quy định gây khó khăn cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, nhà nước cần sớm có hướng khắc phục, xóa bỏ các chính sách, quy định rào cản gây trở ngại cho doanh nghiệp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tầm nhìn và hành động, tổ chức ngày 3/6 tại Hà Nội.

Nhận diện những "hạt sạn"

Đánh giá thực trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã chỉ ra hơn 20 ví dụ cụ thể, điển hình về bất cập trong các thông tư, quyết định của chính phủ, các bộ ngành, địa phương gây trở ngại cho sự phát triển của các doanh nghiệp hiện nay.

“Về quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ là luôn muốn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Song, ngay từ một số luật như Luật Đầu tư năm 2014, bên cạnh những ưu đãi, hỗ trợ vẫn còn những rào cản, khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu”, ông Sơn đánh giá.

Trong đó, ông Sơn chỉ ra cụ thể một số trường hợp ban hành quyết định hành chính “bẻ ghi” quy định đã có hiệu lực. Trong đó có Thông tư số 19/2014/TT-BYT đã đưa ra quy định quản lý thuốc phải có sự chấp thuận, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước cấp Cục thuộc Bộ có quyền cho phép 1 doanh nghiệp được hay không sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, trong khi  đó Chính phủ và Quốc hội lại không có quy định về vấn đề này.

 doanh nghiep

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Tố Uyên

Hay Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ quy định, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án hoặc doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động. Rõ ràng quy định này, vi phạm quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tạo ra lãng phí, bất bình đẳng.

Điển hình nữa là Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi chế biến và xuất khẩu cá tra, quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ mạ băng trên trọng lượng tổng) trong sản phẩm cá tra xuất khẩu không được vượt quá 10%. Hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%/khối lượng tịnh (cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng). Theo ông Sơn, vấn đề này do thỏa thuận chứ không phải tiêu chuẩn bắt buộc của nước nhập khẩu. Quy định như Nghị định là can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ đẩy giá thành của sản phẩm xuất khẩu lên cao.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều quy định ràng buộc DN về quy mô, tức là bắt buộc anh phải đạt quy mô này thì mới được kinh doanh mặt hàng này..., điều đó rất là bất hợp lý và hạn chế sự phát triển của DN.

Cần nhanh chóng "dọn đường" cho doanh nghiệp

Trước những bất cập như vậy, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết và cấp bách trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, DN đang đứng trước sức ép lớn về cạnh tranh.

“Cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho các doanh nghiệp hiện nay đó là loại bỏ hàng loạt các nghị định về điều kiện kinh doanh đang tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các ông chủ lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (ví như quy định trong Nghị định 109, …)”, ông Lê Duy Bình, chuyên gia rà soát độc lập đến từ Công ty cổ phần tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam cho biết.

Chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ, ông Khương cho rằng, nên chăng vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ là kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp; không nên làm theo kiểu “bảo hộ” cho doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp, vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và điều ước quốc tế như TPP, WTO…

Một số ý kiến của DN tại hội thảo cũng cho rằng, không nên chỉ chú trọng vào việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là về vốn theo phương thức quỹ bảo lãnh tín dụng tràn lan. Bởi bản thân cách làm này đã vô tình làm hình thành cơ chế xin – cho, vì rõ ràng tiền hỗ trợ là lấy từ ngân sách nhà nước thông qua quỹ để giải ngân cho doanh nghiệp.

Mặt khác, ông Bình cho biết thêm, nhìn về lợi nhuận, hiện nay lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng 0,4 lần lợi nhận doanh nghiệp nhà nước và 1,4 lần doanh nghiệp FDI. Tức là giá trị gia tăng của doanh nghiệp tư nhân là rất thấp. Xuất phát từ thực tế đó, đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách cụ thể và cần sớm xây dựng Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Doanh nghiệp khó khăn nhất về tiếp cận tín dụng. Hiện có 27 quỹ bảo lãnh tính dụng đang hoạt động với vốn điều lệ 30 tỷ đồng mỗi quỹ, lấy từ ngân sách nhà nước. Có một câu hỏi lớn đặt ra là có nên nhân rộng mô hình này ra 63 tỉnh thành hay không, khi trên thực tế có một số quỹ chỉ mới sử dụng được 30% vốn điều lệ, còn lại vẫn chưa sử dụng đến vì những cơ chế gây khó khăn cho doanh nghiệp. Số tiền còn lại đang nằm im trong ngân hàng trong khi chúng ta vẫn phải nuôi bộ máy của quỹ. Điều này gây lãng phí và thiệt hại không nhỏ cho ngân sách”, ông Bình phân tích./.

Theo Tố Uyên(Thời báo tài chính Việt nam)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)