Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Nhà thầu liên danh hay liên doanh?

Thứ sáu, 30-06-2017 | 14:06:00 PM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) - Ông Đặng Thế Minh (Hà Nội) hỏi: Trong đấu thầu, thuật ngữ "nhà thầu liên danh" có thể hiểu là hai hoặc nhiều nhà thầu liên doanh với nhau để dự thầu một gói thầu có đúng không?

Ông Minh tra trong từ điển tiếng Việt thì "liên doanh" là động từ, "liên danh" là danh từ, ông muốn biết ghi “Nhà thầu A liên doanh với nhà thầu B” hay "Nhà thầu A liên danh với nhà thầu B " là đúng? Trong hồ sơ mời thầu mẫu của ADB thì nhà thầu liên danh là viết là “joint venture” (liên doanh) chứ không phải là “joint name” (liên danh).

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Liên danh và liên doanh là hai khái niệm pháp luật có nội dung khác nhau, thuộc sự điều chỉnh của hai lĩnh vực pháp luật khác nhau. Điểm giống nhau ở khái niệm liên danh và liên doanh là sự liên kết bằng hợp đồng giữa hai hoặc nhiều pháp nhân để cùng thực hiện một hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại.

Khoản 35,  Điều 4 Luật Đấu thầu quy định, nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh.

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, liên danh nhà thầu là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp đứng tên để cùng nhau dự thầu và thực hiện gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án theo hồ sơ mời thầu, mà nếu chỉ một doanh nghiệp thì không đủ khả năng lực thực hiện gói thầu đó.

Các thành viên của liên danh thực hiện khối lượng công việc theo hồ sơ mời thầu. Nhiệm vụ mỗi thành viên của liên danh, thành viên đứng đầu liên danh được quy định trong hợp đồng liên danh.  

Liên danh nhà thầu là hình thức hợp tác mà các thành viên liên danh không phải thành lập pháp nhân mới; liên danh giải thể khi công việc của gói thầu theo hợp đồng với chủ đầu tư hoàn thành. 

Còn theo quy định của pháp luật về đầu tư, liên doanh là một trong những hình thức đầu tư trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam thành lập tổ chức kinh tế liên doanh với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

Đầu tư nước ngoài theo hình thức liên doanh được thực hiện trên cơ sở hợp đồng liên doanh, doanh nghiệp liên doanh được thành lập và hoạt động dựa trên hợp đồng liên doanh và đại diện cho các bên khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo hình thức liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam và hoạt động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Báo chính phủ

Ý kiến bạn đọc (0)